Quy định rõ điều kiện hoạt động cho cán bộ công đoàn

Ngọc Châm - Trần Tâm 25/10/2024 12:28

Thảo luận tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện bảo đảm quyền lợi cho cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Theo đại biểu Hà Sỹ Huân, trong một số điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn chưa thống nhất quy định về căn cứ thực hiện so với quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành (theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam hay theo Luật Công đoàn). Do đó, đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá việc thực hiện các quy định này theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam trong thời gian qua để xem xét luật hóa quy định này trong dự thảo Luật cho thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động.

202410240954004859-z5961822375108-f5246f514af99c1b3c3ddd014eefd29e-3286-6046.jpg
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân. Ảnh: Phạm Thắng

Tham gia ý kiến về bảo đảm điều kiện cho hoạt động của cán bộ công đoàn, đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết, khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật quy định: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền”.

Theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Tổng Liên đoàn Lao động quyết định, trường hợp nào sẽ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định và cơ quan có thẩm quyền quyết định là cơ quan nào, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối với vấn đề này.

Tại khoản 2, Điều 28 trong dự thảo Luật có quy định: “Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp”.

Đại biểu đề nghị bỏ quy định về ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Bởi lẽ, thành viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở là người lao động do người sử dụng lao động tuyển dụng. Việc quy định cần có văn bản thỏa thuận của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có thể sẽ không bảo đảm tính minh bạch và không thực sự phù hợp. Theo đại biểu, dự thảo luật cần sửa thành: “Người sử dụng lao động không được đơn phương… nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp”.

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ chủ thể thực hiện chi trả hỗ trợ bằng tiền cho cán bộ công đoàn không chuyên trách là công đoàn hay chủ doanh nghiệp trong “…Trường hợp không thể trở lại làm công việc cũ thì cán bộ công đoàn không chuyên trách được hỗ trợ tìm việc làm mới và trong thời gian gián đoạn việc làm được hỗ trợ bằng tiền theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, để việc thực hiện được thống nhất và rõ ràng trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần quy định tỷ lệ mức hỗ trợ bằng tiền trong dự thảo Luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy định rõ điều kiện hoạt động cho cán bộ công đoàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO