Quy định mới về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

- Thứ Ba, 02/03/2021, 08:53 - Chia sẻ
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ ngày 1.3, Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31.12.2020 của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, có nhiều chính sách mới về BHYT như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến; hướng dẫn đóng, chuyển đổi mức hưởng BHYT... có hiệu lực thi hành.

Theo đó, những trường hợp được khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến là người đến khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện đi khám chữa bệnh tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh; trường hợp trẻ em chưa có thẻ BHYT do chưa làm thủ tục khai sinh được sử dụng giấy chứng sinh đi khám, chữa bệnh. Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc. Người tham gia BHYT được chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT; quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP; quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 04/2016/TT-BYT. Người có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú và khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Thông tư số 30/2020 bổ sung 3 trường hợp thuộc danh mục được khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến là người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến; người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể; trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

Nhiều quy định mới về khám, chữa bệnh BHYT có hiệu lực thi hành từ 1.3.2021  

Nguồn: ITN 

Thông tư 30/2020/TT-BYT cũng hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người. Cụ thể, Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người đã hiến bộ phận cơ thể của mình theo quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong trường hợp phải điều trị ngay sau khi phẫu thuật viên kết thúc thực hiện kỹ thuật lấy bộ phận cơ thể của người hiến. Quỹ BHYT không thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được tính vào chi phí thuộc quy trình lấy bộ phận cơ thể của người hiến hoặc đã được chi trả bởi các nguồn tài chính khác.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi thực hiện kỹ thuật lấy bộ phận cơ thể người hiến có trách nhiệm tổng hợp danh sách số người đã hiến bộ phận cơ thể và chi phí khám bệnh, chữa bệnh gửi cơ quan BHXH để thanh toán theo quy định, tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; thực hiện trích chuyển dữ liệu điện tử, phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Minh Nhật