Quốc hội và Cử tri

Quy định lộ trình để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, kinh doanh

Huỳnh Phi Long 09/05/2025 15:32

Thể hiện sự đồng tình và đánh giá rất cao với báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời với vai trò là những đại biểu được trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho biết có rất nhiều nội dung khó đã được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng, có sự phân tích, đánh giá, có lộ trình. Vì vậy, đại biểu hoàn toàn đồng tình những nội dung thuyết minh, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục tham góp ý để hoàn thiện dự án luật với chất lượng tốt nhất, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, để phù hợp với tính khả thi, phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhiều nội dung của chúng ta hiện nay đang có sự đánh giá và thay đổi. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chúng ta không thể điều hành và ban hành các chính sách thuế với một thời gian rất ngắn khiến các doanh nghiệp chưa kịp thay đổi phương án kế hoạch sản xuất kinh doanh. Vì vậy, về cơ bản chúng tôi đồng tình với giải trình, tiếp thu.

Về hiệu lực thi hành, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho biết, cũng giống như ý kiến của các đại biểu khác, đề nghị chúng ta tiếp tục thực hiện có hiệu lực từ ngày 01/01/2027 để tất cả các doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động ảnh hưởng của các luật thuế này có thời gian để chuẩn bị, tránh ảnh hưởng tới môi trường sản xuất kinh doanh mà chúng ta hiện nay đang rất tập trung để tháo gỡ.

Đáng chú ý, đối với đối tượng chịu thuế quy định trong dự thảo tại Điều 2, đại biểu đề nghị ghi rõ hơn và bổ sung một số dịch vụ ghi rõ là tại khoản 2 của Điều 2, đối tượng chịu thuế là nội dung kinh doanh đặt cược trực tuyến và game online cũng như dịch vụ làm đẹp và thẩm mỹ. ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai thể hiện sự đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu phân tích rất kỹ như đại ĐBQH Minh Tâm và Lệ Thủy là cần thiết.

"Chúng ta phải đánh giá đưa đối tượng túi nilon vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đặc biệt chúng ta phân tích về giá trị đem lại với giá trị chúng ta phải xử lý, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị ngoài việc đưa vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì tiến tới chúng ta sẽ ngừng sản xuất đối với mặt hàng túi nilon, có quy định lộ trình để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi sản xuất, kinh doanh", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đề xuất.

Phạm Thị Thanh Mai
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại Hội trường

Tăng mức thuế suất với một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Đối với dự thảo tại Điều 3 về đối tượng không chịu thuế, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đề nghị rà soát đối với dự thảo luật các trường hợp hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu, ủy thác xuất khẩu hoặc bán cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu thuộc diện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu quy định rõ cụ thể bao gồm hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài và bán cho khu phi thuế quan cũng như là phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của khu phi thuế quan.

"Sắp tới chúng ta sẽ thảo luận về các nghị quyết đặc thù, ví dụ như khu thương mại tự do, chúng tôi rất mong sẽ được nghiên cứu và chúng ta sẽ tiếp thu theo hướng như vậy", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Đối với dự thảo tại Điều 8, đại biểu đề nghị đối với dịch vụ kinh doanh golf, các đại biểu đã phân tích và chúng ta đã tiếp thu đưa vào mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi tham khảo chuyên gia cho thấy nếu chúng ta chỉ quy định mức thuế suất của dịch vụ kinh doanh golf cao hơn so với mức thấp nhất của dịch vụ kinh doanh xổ số là mức 15% (trong khi mức thuế suất kinh doanh golf là 20%) thì như vậy chưa thật hợp lý. "Chúng tôi đề nghị với mặt hàng kinh doanh có thu nhập cao thì mới có thể sử dụng được, đề nghị nghiên cứu để tăng mức thuế suất cho phù hợp với các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khác", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nêu quan điểm.

Đối với hoàn thuế và khấu trừ thuế quy định tại Điều 9, qua giám sát và theo dõi trên thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp được khấu trừ thuế rất thuận lợi nhưng cũng có những doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn. Đại biểu đề nghị chúng ta cần phải có quy định để đảm bảo quy trình kiểm tra chứng từ hợp lệ, rõ ràng, tránh tình trạng doanh nghiệp bị kéo dài thời gian khấu trừ do sự thiếu minh bạch về quy trình. "Nếu chúng ta quy định nguyên tắc trong luật thì giao cho Chính phủ quy định rất chi tiết và bổ sung nguyên tắc khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như giao Chính phủ quy định hướng dẫn về quyết toán thuế trong các trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đề xuất.

Cuối cùng, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát tổng thể để đáp ứng được những yêu cầu mà Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Trung ương rất mới về những nội dung xây dựng thể chế cũng như là phát triển kinh tế tư nhân và đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang áp dụng các thuế quan đối với các đối tác thương mại mới, trong đó có Việt Nam.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy định lộ trình để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, kinh doanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO