Quy định hỗ trợ làm khó chủ trang trại
Góp ý vào dự thảo Nghị định về phát triển kinh tế trang trại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các quy định về điều kiện, nội dung hỗ trợ đang làm khó chủ trang trại và chắc chắn dẫn đến xin - cho.
Chỉ có 20% chủ trang trại được vay vốn tín dụng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến hết năm 2021, cả nước có 18.945 trang trại đạt tiêu chí quy định, tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên. Trong đó, trang trại chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất với 62,3%; trang trại trồng trọt chiếm 18,3%. Bình quân diện tích đất của một trang trại là 3,52ha; tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt 3 tỷ đồng. Thu nhập của lao động thường xuyên làm việc trong trang trại đạt 4,9 triệu đồng/người/tháng.

Kinh tế trang trại đã có chuyển biến rõ rệt với việc chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đang được các trang trại tập trung đầu tư thực hiện và bước đầu mang lại kết quả tích cực. Nhiều trang trại đã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho trang trại và bà con nông dân.
Tuy vậy, phần lớn trang trại phát triển còn mang tính tự phát, không có quy hoạch bài bản. Quy mô sản xuất (đất đai, lao động, vốn) nhìn chung còn nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, hiệu quả kinh tế chưa cao so với hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Chất lượng lao động còn thấp; quy trình kỹ thuật sản xuất của các trang trại chưa hiện đại.
Đáng chú ý, hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại đã có nhưng còn tản mạn ở nhiều văn bản, chưa cụ thể cho đối tượng trang trại dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ. Đơn cử, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại, song nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức. Đến nay, vẫn còn 18 tỉnh, thành phố chưa có báo cáo số liệu hỗ trợ trang trại theo Nghị quyết. 13 tỉnh chỉ có số liệu báo cáo hỗ trợ được 2/25 chỉ tiêu chính sách hỗ trợ. Về việc tiếp cận tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, mới có khoảng 20% chủ trang trại tiếp cận được vốn vay tín dụng.
Để thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại (gọi tắt là dự thảo), thay thế Nghị quyết số 03.
Theo đó, dự thảo đưa ra nhiều nội dung hỗ trợ như miễn giảm 50% tiền thuê đất của Nhà nước, nếu tiếp tục có nhu cầu gia hạn thời gian thuê thì được ưu tiên không qua đấu giá. Nếu thuê đất của hộ gia đình, cá nhân để phát triển rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương 30% tiền thuê đất cho 7 năm đầu tiên và giá thuê đất ổn định tối thiểu 7 năm. Bên cạnh đó, trang trại được hưởng ưu đãi về cho vay không có tài sản bảo đảm; trang trại chăn nuôi còn được hỗ trợ 30% lãi suất vay tại ngân hàng thương mại trong thời gian 5 năm để xây mới. Ngoài ra, trang trại được hỗ trợ về đào tạo nhân lực, áp dụng khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại…
Chắc chắn dẫn đến xin - cho
Mặc dù dự thảo Nghị định quy định khá đầy đủ, toàn diện về hoạt động kinh tế trang trại và được các chủ trang trại rất trông đợi song Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tỏ ra quan ngại với nhiều nội dung trong dự thảo.
Trong bản góp ý vừa gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, VCCI cho rằng, dự thảo quy định các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp phải lập, thẩm định và xin phê duyệt dự án kinh tế trang trại “là trái luật và không cần thiết”.
Phân tích rõ hơn, VCCI cho rằng, quy định này là một dạng điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại Luật Đầu tư. Tuy nhiên, trong các ngành nghề kinh tế trang trại, chỉ có chăn nuôi và kinh doanh thủy sản (áp dụng với nuôi lồng bè và thủy sản chủ lực như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng) được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư - Mục 167; các ngành nghề như trồng trọt, lâm nghiệp, làm muối và nuôi trồng thủy sản khác không thuộc danh mục Phụ lục này. Vì thế, các cá nhân, tổ chức không cần đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như không phải xin phép trước khi thực hiện ở bất kỳ quy mô nào. Do vậy, cần bãi bỏ quy định về việc phải lập, thẩm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại.
Liên quan đến đất đai, xây dựng, dự thảo quy định các trang trại phải tuân thủ quy hoạch, mục đích sử dụng đất, chất lượng công trình, vật liệu xây dựng, diện tích xây dựng, chiều cao công trình… Theo VCCI, nếu các trang trại vẫn đồng thời phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng vừa phải tuân thủ quy định dự thảo này sẽ tạo thêm nhiều khó khăn, vướng mắc cho quá trình thực hiện.
Về điều kiện hỗ trợ - nội dung rất được trông đợi tại dự thảo Nghị định, việc quy định trang trại muốn được hỗ trợ phải có giấy chứng nhận kinh tế trang trại rồi mới làm thủ tục xin hỗ trợ sẽ làm kéo dài thời gian, tăng tính phức tạp của thủ tục hành chính, giảm tỷ lệ trang trại thuộc diện được hỗ trợ nhưng không thực hiện vì vướng mắc về thủ tục.
Bên cạnh đó, quy định ưu tiên hỗ trợ cho trang trại sản xuất quy mô lớn có hiệu quả trong nhiều năm; sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao; có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị đều là những chỉ tiêu chung chung, “chắc chắn sẽ dẫn đến cơ chế xin - cho, thậm chí là nguy cơ tham nhũng tiêu cực trong quá trình áp dụng”, VCCI lo ngại.
Dẫn thực tế nhiều chính sách hỗ trợ thời gian qua bộc lộ 2 vấn đề là thiếu minh bạch tiêu chí và trình tự thủ tục phức tạp làm nản lòng người được hỗ trợ, VCCI cho rằng dự thảo cần khắc phục được điều này. Theo đó, tiêu chí cần rõ ràng, minh bạch; thủ tục cần đơn giản, chỉ cần chủ trang trại đáp ứng đúng điều kiện là chắc chắn được hỗ trợ.