"Tồn đọng lâu nay chưa được xử lý dứt điểm
Chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết, Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành.
Qua Báo cáo 287 của Chính phủ cho thấy, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã tập trung quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên tính từ đầu năm đến hết ngày 5.5.2024, đã ban hành 37/49 văn bản, như vậy còn nợ 12 văn bản, chiếm 25%. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương và khó khăn trong việc bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết có giải pháp quyết liệt, căn cơ nào để khắc phục trình trạng trên?
Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đến nay, tổng số các văn bản Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng và ban hành là 261 văn bản quy định chi tiết. Trong đó, 128 văn bản cần phải ban hành để quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực.
"Đến nay, đã ban hành được 106 văn bản, còn nợ 22 văn bản. So với những năm trước, tiến độ ban hành văn bản tốt hơn, trong số các văn bản đã ban hành, có tới 58 văn bản được ban hành cùng lúc với văn bản trên có hiệu lực, cụ thể là các luật, nghị quyết”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Mặc dù số liệu để tính toán đã khởi sắc hơn, song tình trạng chậm vẫn còn. "Như vậy tồn đọng lâu nay chưa được xử lý dứt điểm", Phó Thủ tướng thẳng thắn.
Nguyên nhân của việc chậm ban hành, theo Phó Thủ tướng, do số lượng nhiều, có những văn bản nội dung khó, đã được bàn thảo nhiều lần nhưng chưa có giải pháp.
"Thời gian tới, một trong những giải pháp đặt ra là sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng quy định sát sao hơn và đôn đốc thực hiện tốt hơn quy trình giữa các cơ quan trình và Văn phòng Chính phủ.
Lãnh đạo Chính phủ sẽ tăng cường các cuộc làm việc trực tiếp để đôn đốc các bộ, ngành tích cực soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong quá trình soạn thảo luật cần rà soát đầy đủ và ước lượng được những khó khăn, thách thức trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết để có hướng xử lý", Phó Thủ tướng cho biết.
Công tác tự kiểm tra chưa được thực hiện tốt
Qua công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp vẫn phát hiện rất nhiều văn bản có quy định trái pháp luật đã tác động nhất định đến đời sống xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, việc tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ chủ yếu dừng lại ở mức phê bình, nhắc nhở.
Nêu vấn đề trên, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên gắn với việc thực hiện Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật?
Trả lời nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành có nhiệm vụ thường xuyên phải tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành.
Bộ Tư pháp cũng thực hiện tự kiểm tra như các bộ, ngành khác; đồng thời giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các văn bản vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đề xuất biện pháp xử lý.
Việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành, tính hợp pháp, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành chưa được thực hiện tốt.
Năm 2023, trừ Bộ Tư pháp, chỉ có 4 bộ phát hiện được khoảng gần 20 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trái pháp luật theo các tiêu chí khác nhau như đã nêu trên.
"Nguyên nhân là do các cơ quan chưa chủ động trong thực hiện kiểm tra; cơ chế giám sát, kiểm tra còn hạn chế".
Nhấn mạnh như vậy, Phó Thủ tướng hy vọng, sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ quy định cụ thể hơn, chi tiết hóa việc thực hiện chức năng, chức trách của bộ trưởng, trưởng ngành liên quan đến công tác ban hành, kiểm tra văn bản; sau đó mới dẫn chiếu sang pháp luật về cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, cần tính toán thêm để thiết kế các chế tài về hành chính tương đương để khi phát hiện có căn cứ để xử lý; thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và đi làm việc trực tiếp với các cơ quan. Đặc biệt, thực hiện tốt Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật.