Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi):

Quy định cụ thể tiêu chí xác định trường hợp nào giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 16:05 - Chia sẻ
Sáng 23.10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội, Khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua khen thưởng dưới sự chủ trì của Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu.
Trưởng đoàn ĐBQH Lê Trường Lưu tham gia phát biểu ý kiến

Cần nhìn nhận điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế

Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Điện ảnh, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường điện ảnh; phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số. Do đó, Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh...

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, mỗi giai đoạn lịch sử, vai trò điện ảnh Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Sau này, dưới tác động cơ chế thị trường, điện ảnh nước ta mặc dầu đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa phát huy được vai trò của mình và có thể nói đang tụt hậu. Đề nghị cần đánh giá rõ hơn, cụ thể hơn, xem điện ảnh nước ta đang nằm ở đâu, tại sao tụt hậu, do cơ chế chính sách hay do đâu?

Đối với quy định về phổ biến phim trên không gian mạng, dự Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.

Theo đại biểu Lê Trường Lưu, đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, để thực hiện phương án cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, các quy định về tiêu chí, nội dung phân loại cần hết sức cụ thể.

Qua nghiên cứu, đại biểu đề xuất lựa chọn Phương án 1. Vì đây là bước chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” và được nhiều đơn vị phổ biến phim đánh giá cao, mặc dù tiềm ẩn một số rủi ro, nguy cơ, tuy nhiên điều này buộc các đơn vị phổ biến phim phải nâng cao trách nhiệm của mình trước pháp luật.

Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu mong muốn các chính sách của Nhà nước cần cụ thể và khả thi hơn, tránh chung chung, làm sao tạo điều kiện, cơ chế, khuyến khích tổ chức cá nhân có điều kiện tốt nhất tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh, có tác phẩm giá trị đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng hội nhập quốc tế. “Tuy nhiên để đảm bảo tính chặt chẽ, cần phải nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết hơn trong dự thảo Luật các tiêu chí cụ thể đối với những trường hợp nào thì giao nhiệm vụ, trường hợp nào đặt hàng và trường hợp nào thì thực hiện đấu thầu”.

Khen thưởng phải ưu tiên người lao động trực tiếp

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Thi đua khen thưởng, các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước…

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhất trí tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đánh giá cao Cơ quan soạn thảo, trong một số hình thức khen thưởng đã bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài… phù hợp với thực tiễn ngày càng đa dạng trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Về mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, đại biểu Lê Trường Lưu tán thành với quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua. Thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc, đồng thời khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua. Bởi ngoài ra còn có khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại.

Đại biểu cũng đề xuất cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa thi đua, khen thưởng nhằm tạo động lực phát triển phong trào thi đua; đối tượng thi đua, khen thưởng đặc biệt là ưu tiên đối tượng trực tiếp lao động sản xuất, làm rõ thêm yếu tố tiêu chuẩn để nhận danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu…

Xuân Tùng