Quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã để tránh phát sinh khoảng trống pháp lý trong thực hiện
Cần xác định rõ chủ thể ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có UBND cấp xã hoặc UBND đặc khu (nếu có). Đồng thời, cần quy định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, tránh phát sinh khoảng trống pháp lý trong thực tiễn thực hiện.
.jpg)
Chiều 16/5, các ĐBQH Tổ 3 gồm: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Thuận đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2025 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thống nhất xử lý phương tiện vi phạm là tài sản dân sự
Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2025, liên quan đến Điều 126 về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) cho rằng: việc sửa đổi này đã góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để thực hiện hành vi vi phạm hành chính và thuộc trường hợp bị tịch thu.
.jpg)
Luật đã quy định việc trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp, còn cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị phương tiện vi phạm. Trường hợp chủ sở hữu có lỗi cố ý để người khác sử dụng phương tiện vi phạm mới bị xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là đối với trường hợp phương tiện bị tạm giữ không phải do chiếm đoạt, sử dụng trái phép, mà là tài sản thuộc hợp đồng dân sự hợp pháp như cho mượn, cho thuê. Khi người vi phạm sử dụng phương tiện này để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, thì người không có thẩm quyền xử phạt có được tạm giữ phương tiện đó để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hay không?
“Và nếu quyết định xử phạt không được thi hành, thì phương tiện đó có bị kê biên, bán đấu giá theo quy định tại điểm đ khoản 4a Điều 126 hay bị tịch thu hay không?”, đại biểu băn khoăn.
Thực tế cho thấy, chúng tôi thường xuyên nhận được phản ánh từ người không có thẩm quyền xử phạt nhưng được giao xử lý tình huống này. Do hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định hướng dẫn chưa quy định cụ thể, người thực thi buộc phải vận dụng tư duy pháp luật để xử lý, dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, có hai cách tiếp cận:
Thứ nhất, trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính là tài sản thuộc hợp đồng dân sự hợp pháp như cho mượn, cho thuê, không thuộc sở hữu của người vi phạm, thì sau khi hết thời hạn tạm giữ để xác minh hoặc ngăn chặn hành vi vi phạm theo khoản 1 Điều 125, phải trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp theo điểm đ khoản 4 Điều 126. Tuy nhiên, theo cách hiểu này, nhiều quyết định xử phạt có thể không thi hành được do thiếu biện pháp bảo đảm.
Thứ hai, cho rằng có thể tiếp tục tạm giữ phương tiện vi phạm để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, và nếu không thi hành thì kê biên, bán đấu giá phương tiện theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 126. Tuy nhiên, cách làm này lại phát sinh vướng mắc vì phương tiện là tài sản dân sự hợp pháp, không có đủ căn cứ pháp lý rõ ràng để xử lý như tang vật bị chiếm đoạt.
Do đó, để bảo đảm áp dụng thống nhất, đầy đủ, rõ ràng, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung khoản 4a Điều 126 theo hướng: Quy định cụ thể việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là đối tượng của hợp đồng dân sự hợp pháp (ví dụ cho mượn, cho thuê); cho phép người có thẩm quyền được tạm giữ phương tiện theo khoản 1 Điều 125 để phục vụ việc xử lý vi phạm hành chính.
“Quy định như vậy, sẽ thống nhất được trong nhận thức và cách áp dụng pháp luật, đặc biệt là với các trường hợp phương tiện vi phạm thuộc quan hệ dân sự hợp pháp, bảo đảm rõ ràng, minh bạch và phù hợp thực tiễn”, đại biểu nhấn mạnh.
Bảo đảm nguyên tắc cam kết quốc tế, rõ thẩm quyền cấp cơ sở
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng: một trong những nguyên tắc rất quan trọng của Luật đã được ghi nhận, khẳng định và kế thừa. Cụ thể là nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, nguyên tắc này cũng đã được cụ thể hóa tại nhiều điều khoản khác liên quan đến quá trình xây dựng chính sách, thẩm định và thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.

“Tuy nhiên, nguyên tắc này vẫn chưa được cụ thể hóa trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn, hiện đang được quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025”, đại biểu nêu rõ.
Qua nghiên cứu, đại biểu Lê Anh Tuấn cho rằng: dù áp dụng theo quy trình thông thường hay theo thủ tục rút gọn, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn cần phải bảo đảm nguyên tắc rất quan trọng này. Đây là nguyên tắc thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc bảo đảm sự thống nhất, tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định vào khoản 10 Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 51 theo hướng: trong hồ sơ gửi thẩm định, hồ sơ gửi thẩm tra và hồ sơ trình, cần bao gồm nội dung đánh giá, rà soát về tính tương thích của dự thảo văn bản với các điều ước quốc tế liên quan.
“Để phù hợp với tính chất rút gọn của quy trình, nội dung này không nhất thiết phải lập thành một báo cáo hoặc tài liệu riêng, mà có thể lồng ghép, tích hợp trong dự thảo tờ trình hoặc là một tài liệu thành phần trong hồ sơ mà cơ quan soạn thảo gửi cho cơ quan thẩm định”, đại biểu Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) thì bày tỏ đồng tình với ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra cần bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh luật này đang được sửa đổi. Nhiều nhiệm vụ của UBND cấp huyện đang được phân cấp mạnh cho cấp xã. Nếu không quy định rõ ràng, sẽ gây khó khăn cho chính cấp chính quyền địa phương khi thực thi nhiệm vụ, đại biểu cho biết.

Đồng thời, đại biểu cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng cần xác định rõ chủ thể ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có UBND cấp xã hoặc UBND đặc khu (nếu có); đồng thời, cần quy định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, tránh phát sinh khoảng trống pháp lý trong thực tiễn thực hiện.
Liên quan đến quy định chuyển tiếp tại khoản 18 Điều 1, đại biểu cũng thống nhất với đề xuất cho phép các văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới hành chính cấp huyện, trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ về thời hạn hiệu lực tạm thời để bảo đảm minh bạch và tính khả thi.
“Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ vì liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội”, đại biểu nhấn mạnh.