Quy định cụ thể, rõ ràng các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội
Thảo luận tại Tổ 18, chiều 21/5, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tiền Giang cho rằng, các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội cần được quy định cụ thể, rõ ràng để chính sách của Nhà nước có thể hỗ trợ đúng đối tượng, tránh dàn trải.
Khó đạt mục tiêu nếu chính sách không đến đúng đối tượng
Tại thảo luận tổ, các ĐBQH tổ 18 tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhà ở xã hội; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, có cơ chế ưu đãi hơn, giảm bớt các trình tự, thủ tục để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đồng thời, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội để góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân; trong đó, có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần rà soát lại đối với các quy định về Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 9); Thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 10) để thống nhất quy định cụ thể, rõ ràng hơn các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Theo ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), khoản 1, Điều 10 dự thảo quy định “Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp), cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở; trong khi đó, khoản 1, Điều 9 quy định “đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại thì căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án trước thời điểm sắp xếp lại để xác định điều kiện về nhà ở đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở”. Đặt vấn đề nếu định nghĩa là “cơ quan hành chính” thì các đối tượng khác khi sáp nhập là cán bộ thuộc HĐND, cán bộ của các Ban Đảng có thuộc đối tượng thụ hưởng, đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn về nội dung này.

Cũng tham gia góp ý vào quy định của Điều 10, ĐBQH Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) băn khoăn về các cụm từ "người lao động" hay "người lao động nước ngoài". Theo đại biểu, "người lao động" là một khái niệm rất chung và không cụ thể; có thể là lao động bình thường nhưng cũng có thể là cán bộ quản lý. Do đó, có thể dẫn đến chính sách hỗ trợ không đúng đối tượng, lệch chuẩn, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước không tập trung cho nhóm yếu thế. Bên cạnh đó, "người lao động nước ngoài" có thể có cả những nhóm chuyên gia nước ngoài có mức thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng. Đối với nhóm có thu nhập cao thì nên thực hiện cơ chế nhà ở thương mại. Vì vậy, tại Khoản 1, Điều 10 cần phải quy định rất rõ, nhóm nào thực sự có khó khăn về thu nhập, nhà ở chứ những nhóm lao động là chuyên gia, lao động là quản lý thì đều phải đưa sang cơ chế thị trường. Nguồn lực của Nhà nước có hạn mà đầu tư không đúng cho các nhóm khó khăn thì chính sách xã hội không đạt được mục tiêu.
Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư phải song hành
Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, tại Điều 8 đã bổ sung quy định mới liên quan đến vấn đề “giao cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội xác định đơn giá trước và thuê các cơ quan tư vấn, thẩm định, sau đó sẽ xác định giá bán” để có thể huy động vốn sớm hơn. Còn hiện tại thì phải chờ đến khi xây dựng gần xong mới bắt đầu tìm cách để phê duyệt đơn giá bán. Như vậy, có thể khiến chủ đầu tư nhỡ mất cơ hội để huy động vốn gây nhiều thiệt hại vì liên quan đến chi phí vốn vay dẫn đến giá thành rất cao. Bên cạnh đó, ĐBQH Lê Thanh Hoàn cho rằng, cần cân nhắc thêm quy định nếu đơn giá ban đầu cao hơn giá bán sau quyết toán thì chủ đầu tư không được hưởng lợi, nhưng nếu thấp hơn thì phải hoàn trả lại cho người mua. Điều này có thể dẫn đến chủ đầu tư đưa ra mức giá cao nhất.

Liên quan đến Điều 5 Dự thảo Nghị quyết quy định về giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu, ĐBQH Lê Thanh Hoàn cho biết: Dự thảo đang tách thành 2 trường hợp: thứ nhất là trong trường hợp đã phê duyệt về chủ trương đầu tư rồi thì có quyền phê duyệt luôn chủ đầu tư và trường hợp thứ hai là đã có quy hoạch đầy đủ rồi thì cũng giao cho phê duyệt phương án đầu tư, chủ trương đầu tư và chủ đầu tư. Nhấn mạnh quy định này rất phù hợp trong trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên khi có từ 2 nhà đầu tư quan tâm thì sẽ phát sinh khó khăn trong chỉ định, đại biểu đề nghị, cần quy định rõ ràng về việc lựa chọn chủ đầu tư trong trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, để bảo đảm tính minh bạch và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.


Tại Tổ thảo luận, các đại biểu cũng nêu ý kiến về điều khoản chuyển tiếp tại Điều 12. Cụ thể, tại khoản 3 điều này quy định “trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương bàn giao lại quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án cho nhà nước nhưng chưa bàn giao hoặc đã bàn giao nhưng chưa lựa chọn được chủ đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội thì UBND cấp tỉnh quyết định giao chủ đầu tư cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội này”. Theo các đại biểu, nếu quy định như thế này thì việc xây dựng nhà ở xã hội đang trở thành nghĩa vụ của các chủ đầu tư. Do đó, nên quy định làm sao để quyền và nghĩa vụ phải song hành với nhau, Nhà nước quyết định giao nhưng phải trên cơ sở chủ đầu tư có nguyện vọng thực hiện thì sẽ hợp lý hơn.
Tại phiên thảo luận, góp ý về việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, các đại biểu đề nghị, cần làm rõ và cung cấp đầy đủ các thông tin về: dự kiến bổ sung nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho Quỹ là bao nhiêu? ai quyết định thành lập Quỹ? Quỹ này thành lập riêng bộ máy hoạt động hay lồng ghép với một số quỹ Trung ương hiện nay? mối quan hệ của quỹ này với các quỹ khác như thế nào? Bởi, hiện nay, đang có rất nhiều các quỹ khác nhau được trình, mỗi quỹ lại có thiết kế khác nhau. Do đó, phải có nguyên tắc chung khi thiết kế các quỹ ngoài ngân sách, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành khi là cơ quan chủ trì soạn thảo một dự thảo nghị quyết thì lại có một cách thiết kế quỹ khác nhau.