Tại phiên thảo luận, ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái) tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Việc làm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
Về đối tượng áp dụng (Điều 2), dự thảo Luật quy định: “Luật này áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ, dự thảo Luật quy định “Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, trừ trường hợp lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Lao động”.
Đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, theo quy định trên, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật được hiểu là chỉ áp dụng với người lao động là công dân Việt Nam. Nhưng thực tế thị trường lao động, việc làm bao gồm cả người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Do đó, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đối tượng lao động bao gồm cả người nước ngoài.
Đối với chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 5), đại biểu nhất trí với các điều khoản trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định cụ thể hơn các chính sách đặc thù, chính sách hỗ trợ lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, ở các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được tiếp cận vốn, học nghề, chuyển đổi nghề; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật cho lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Liên quan đến đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm (Điều 8), đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là lao động nữ vào điểm a khoản 2; bổ sung đối tượng lao động nữ như trên để đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới.
Cũng tại điểm b khoản 2 quy định “Người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số”, đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng “hộ mới thoát nghèo trong thời hạn là 36 tháng” được thụ hưởng chính sách một lần tại khoản 2 Điều 8 đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và khoản 2 Điều 10 đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo điều kiện cho các đối tượng lao động thuộc hộ mới thoát nghèo tiếp tục được thụ hưởng chính sách nhằm thoát nghèo bền vững.
ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho biết, tại điểm a khoản 2 Điều 8 quy định: “… doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động…”, theo quy định này thì hộ kinh doanh sử dụng bao nhiêu lao động sẽ được xem là nhiều lao động. Để tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng, đề nghị lượng hóa quy định này.
Về chính sách cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 11, Điều 12), đại biểu Bố Thị Xuân Linh rất đồng tình ủng hộ và đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung quy định mới này vào dự thảo Luật.
Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu thấy rằng, thực tế có một số trường hợp người lao động vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Nhưng vì một số lý do khách quan, bất khả kháng như dịch bệnh, chiến tranh, người lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn, dẫn đến khi về nước không có việc làm, không có thu nhập để trả nợ cho khoản vay trước đó.
Để giải quyết thực trạng trên, đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản quy định theo hướng: đối với trường hợp lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động và về nước trước thời hạn thì cần có chính sách hỗ trợ như giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… cho các khoản vay trước đó để đi lao động ở nước ngoài; hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong nước để có nguồn thu trả nợ.
"Có như vậy, chính sách Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật mới thật sự đi vào cuộc sống", đại biểu Bố Thị Xuân Linh nhấn mạnh.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cũng đề xuất, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6 cần nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm sau: truy cập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến cơ sở dữ liệu về lao động; khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu về người lao động.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị rà soát, quy định rõ phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật giữa Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) với các Luật có liên quan như Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Rà soát tính tương thích quy định các điều khoản dự thảo Luật đối với thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế trong lĩnh vực lao động và việc làm.