Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm tính minh bạch khi thực hiện

Thanh Hải 09/06/2023 17:21

Thu hồi, trưng dụng đất là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến của Nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Thảo luận tại tổ sáng nay, nhiều đại biểu đề nghị, không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong Luật gắn với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, mà các trường hợp đó phải là “thật cần thiết”.

Nhà nước thu hồi đất cho tư nhân thực hiện công trình giáo dục, y tế...?

Theo Báo cáo của Chính phủ, tiếp thu các ý kiến góp ý của Nhân dân, Điều 79, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được sửa đổi toàn bộ theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác. Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh tại Điều 78; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, như Luật Đầu tư, các luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 81.

Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm tính minh bạch khi thực hiện -0
Quang cảnh thảo luận tại tổ Đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Thọ, Quảng Nam, Đắc Nông, Trà Vinh. Ảnh: Quang Khánh

“Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất như vậy sẽ bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện”. Khẳng định điều này, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị, cần rà soát kỹ các trường hợp sẽ được thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đặc biệt, cần rà soát lại các trường hợp thu hồi đất để xây dựng công trình sự nghiệp thuộc cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội; cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ sở thể dục thể thao được quy định tại Điều 79.

“Bản chất đây là những dịch vụ công, nhưng hiện nay chúng ta đã xã hội hóa, nên có hợp lý không khi tiến hành thu hồi đất để cho tư nhân làm một nhà trẻ, trường mẫu giáo hay các cơ sở giáo dục, y tế khác? Tương tự, với thu hồi đất để xây dựng cơ sở thể dục, thể thao, nếu là cơ sở do Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thành lập ra, thuê đất xây dựng công trình này thì sẽ khác; nhưng nếu do tư nhân xây dựng cũng đặt vấn đề thu hồi đất để phục vụ lợi ích công cộng, thì tôi thấy không hợp lý”, đại biểu Nguyễn Trường Giang thẳng thắn.

Nhiều ĐBQH cho rằng, cần rà soát Điều 80, dự thảo Luật, về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3, Điều 54, Hiến pháp năm 2013. Theo ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ), không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong Luật gắn với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, mà các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”. Một số ý kiến đề nghị, nghiên cứu bổ sung quy định điều kiện về nguồn lực, tình hình địa phương trong từng thời kỳ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng

Điều 122, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa mạnh mẽ tư tưởng phân cấp, phân quyền từ Trung ương xuống địa phương. Cụ thể, phân cấp cho HĐND cấp tỉnh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước khi UBND cùng quyết định bằng văn bản để thực hiện. Đồng thời, dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định về điều kiện, tiêu chí, chế tài để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất này.

Pháp luật hiện hành quy định chặt chẽ việc quản lý việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất này (đất lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ quy mô trên 20 ha, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên) phải được Chính phủ chấp thuận bằng văn bản. Trích dẫn quy định này, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu vấn đề, việc tập trung quản lý quá mức ở Trung ương như hiện nay cho thấy nhiều hệ lụy về phân cấp, phân quyền, chưa phát huy được sự sáng tạo của địa phương, giảm hiệu quả về tính cơ hội, tăng chi phí xã hội và chưa quán triệt tư tưởng cải cách nền hành chính nhà nước. Tuy vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận thấy, sự cần thiết quản lý các loại đất này trong thời gian qua cũng xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, giảm thiểu tác động có tính cục bộ, lợi ích, địa phương mà thiếu cân nhắc tới cân đối tổng thể, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, khu vực và phát triển bền vững quốc gia. Ở góc độ nhất định, nó cũng xuất phát từ trình độ quản lý của chúng ta và phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực ngay từ sớm.

Với cách tiếp cận vấn đề như vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, cần tăng cường phân cấp với việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên là phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, song cũng không nên chuyển đổi theo hướng “buông” việc này cho địa phương. Thực tế cho thấy, khi phân cấp quản lý như vậy, thì những hệ lụy đã xảy ra sẽ khó trách khỏi, ngay cả khi chúng ta đã tăng cường thể chế pháp lý. Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, tại dự thảo Luật vẫn nên quy định, Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng với dự án sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha, đất rừng đặc dụng trên 20 ha, đất rừng phòng hộ trên 50 ha, đất rừng sản xuất trên 200 ha. Đối với các dự án có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn, phân cấp cho địa phương như quy định tại Điều 122, dự thảo Luật, đồng thời cũng cần bổ sung quy định việc chia nhỏ các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên để “lách luật”, giữ lại thẩm quyền ở địa phương.

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) đề nghị, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng. Phân biệt giữa đối tượng nhận chuyển nhượng là “tổ chức” với đối tượng nhận chuyển nhượng là “cá nhân” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách.

ĐBQH Ngô Chí Cường (Trà Vinh) cũng chỉ rõ, với quy định khoản 30, Điều 2 và khoản 55, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng như quy định tại Điều 56, Luật Đất đai hiện hành về cho thuê đất đang khiến cá nhân khi thành lập doanh nghiệp hay đưa đất nông nghiệp vào doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh đều phải chuyển mục đích sử dụng đất và sử dụng đất với hình thức thuê lại đất của Nhà nước. Do vậy, nhiều cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định không muốn thành lập doanh nghiệp.

Nguyên nhân của thực trạng nêu trên, theo đại biểu Ngô Chí Cường, với quy định hiện hành, họ sẽ phải giao phần đất đó cho nhà nước, sau đó phải thuê lại chính phần đất họ có quyền sử dụng đất dài hạn trước đây để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh của mình. Do vậy, đại biểu Ngô Chí Cường đề nghị, cần rà soát, hoàn thiện thêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất tại Mục 3, Chương III của dự thảo Luật để có thể điều chỉnh vấn đề này ngay trong luật, không nên để Chính phủ hướng dẫn bằng nghị định như trước đây.

Có thể thấy, với sự khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã có bước tiến quan trọng về chất lượng. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội tham dự các phiên họp tổ sáng nay, cũng còn một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cần tiếp tục rà soát, phân tích kỹ lưỡng, bảo đảm hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, cũng như mong mỏi, yêu cầu của cử tri và người dân về đạo luật quan trọng này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm tính minh bạch khi thực hiện
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO