Quy định cụ thể các trường hợp bồi thường khi thu hồi đất

Ngày 13.7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Nghị định này quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Khoản 3 Điều 87, Điều 92, Điều 94, Điều 95, Điều 96, Điều 98, Điều 99, Điều 100, Điều 102, Điều 106, Điều 107, Điều 108, Điều 109 và Điều 111 của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Như vậy, Nghị định này được ban hành sớm gần 3 tuần so với ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành (ngày 1.8).

Bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai

Trên nguyên tắc việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Luật Đất đai đã quy định các trường hợp bồi thường khi thu hồi đất.

Liên quan đến bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Khoản 1, Điều 96 Luật Đất đai quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 95 của Luật này (Điều 95 quy định về Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) thì được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở”.

Về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở, Khoản 1, Điều 98 Luật Đất đai quy định: “Hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế đang sử dụng đất ở, đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 95 của Luật này thì được bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi”.

 Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án giao thông đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Nguồn: dangcongsan.vn
Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án giao thông đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Nguồn: dangcongsan.vn

Trong khi đó, bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân, Khoản 1, Điều 99, Luật Đất đai quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 95 của Luật này thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng tiền theo thời hạn sử dụng đất còn lại đối với đất sử dụng có thời hạn hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở”.

Trên cơ sở quy định trên của Luật Đất đai, Nghị định số 88/2024/NĐ-CP đã có hướng dẫn cụ thể như sau:

Theo quy định giá đất tính tiền sử dụng đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất ở, đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp bồi thường bằng cho thuê đất thu tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì giá đất tính tiền thuê đất là giá đất cụ thể do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho tổ chức kinh tế có đất ở thu hồi là giá đất cụ thể do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định, người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở mà có chênh lệch giá trị giữa tiền bồi thường, hỗ trợ về đất với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất khác hoặc tiền mua nhà ở thì xử lý như sau:

Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất lớn hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi được nhận phần chênh lệch. Trong khi đó, trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi phải nộp phần chênh lệch.

Căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở để bồi thường cho người có đất thu hồi quy định.

Diện tích đất thực tế lớn hơn trên giấy tờ sẽ được bồi thường thế nào?

Thực tế cho thấy, quá trình giải quyết bồi thường khi thu hồi đất đai thời gian qua gặp nhiều vướng mắc khi xảy ra chênh lệnh giữa diện tích đất đo thực tế so với diện tích được ghi trong giấy tờ về quyền sử dụng đất. Nghị định số 88/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất để giải quyết các vướng mắc này.

Theo quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất mà diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai thì bồi thường về đất như sau:

Nếu diện tích đo đạc thực tế nhỏ hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai thì bồi thường về đất theo diện tích đo đạc thực tế theo quy định tại Khoản 6 Điều 135 của Luật Đất đai.

Trường hợp đã hoàn thành việc đo đạc thực tế phục vụ cho việc thu hồi đất mà sau đó do thiên tai, sạt lở, sụt lún dẫn đến tại thời điểm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diện tích của thửa đất đã đo đạc bị thay đổi thì sử dụng số liệu đã đo đạc để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp có sự chênh lệch diện tích đất mà số liệu đo đạc thực tế lớn hơn số liệu ghi trên Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì diện tích bồi thường được xác định theo số liệu đo đạc thực tế theo quy định tại Khoản 6 Điều 135 của Luật Đất đai.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định, trong trường hợp Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai mà vị trí, tọa độ không chính xác thì xem xét bồi thường theo đúng vị trí, tọa độ khi đo đạc thực tế.

Việc ban hành kịp thời nghị định hướng dẫn Luật Đất đai cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ không để xảy ra khoảng trống pháp luật khi Luật có hiệu lực vào ngày 1.8 tới. Điều này sẽ góp phần đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, qua đó, bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất, tránh những khiếu nại, khiếu kiện phát sinh không đáng có.

Pháp luật

Quân khu 1: Phát huy vai trò quân đội tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thượng tôn pháp luật
Tin tức

Quân khu 1: Phát huy vai trò quân đội tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thượng tôn pháp luật

Mới đây, Ban chỉ đạo Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" (gọi tắt là Đề án 1371) Quân khu 1 đã tổ chức Hội nghị Sơ kết việc thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2024.

Bắt tạm giam nguyên hiệu trưởng trường Hoàng Thu Phố 1
Pháp luật

Bắt tạm giam nguyên hiệu trưởng trường Hoàng Thu Phố 1

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai thông tin đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt bị can để tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà).

Năm 2023, tỷ lệ xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên toàn quốc là 96,1%
Tin tức

Năm 2023, tỷ lệ xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên toàn quốc là 96,1%

Đây là thông tin được đưa ra trong Hội thảo "Đánh giá tình hình thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật", do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre vừa tổ chức. Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật TS. Ngô Quỳnh Hoa chủ trì Hội thảo.

Nâng cao năng lực và nghiệp vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật
Pháp luật

Nâng cao năng lực và nghiệp vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật

Theo Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, từ ngày 17.7 - 10.10, Sở Tư pháp đã tổ chức 30 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo nội dung số 2, 3 tiểu dự án 01, Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 2 hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực và nghiệp vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân ở cơ sở tại các thôn, bon thuộc huyện Krông Nô, Cư Jut, Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa, thu hút gần 3.000 đại biểu tham dự, chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; đội ngũ tuyên truyền viên, Hòa giải viên ở cơ sở và người dân ở cơ sở.