Tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các ĐBQH Tổ 16 cho rằng: Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường quảng cáo hiện nay. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cùng sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo ra bước phát triển vượt bậc của ngành quảng cáo, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức quảng cáo, cách tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc quản lý nội dung quảng cáo…
Vì vậy, Luật Quảng cáo cần được sửa đổi, bổ sung với tư duy và phương thức quản lý mới, nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo; góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển, vì lợi ích chung của xã hội.
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo, từ đó phân định trách nhiệm của mỗi bên khi có vấn đề xảy ra… “Bởi, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm chính về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng dựa trên tài liệu, thông tin doanh nghiệp cung cấp; những cá nhân này không đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác thông tin cung cấp”, đại biểu lý giải.
Về quảng cáo trên mạng (khoản 11, Điều 1 dự thảo Luật, bổ sung Điều 23), đại biểu cho rằng, cần quy định rõ các thông tin cụ thể thuộc “danh tính” để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng (điểm b khoản 5)…
Liên quan đến quy định tại điểm a, khoản 6: “chính quyền địa phương có trách nhiệm phát hiện và xác định quảng cáo vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được giao về quản lý nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo”. Tuy nhiên, theo quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND. HĐND có chức năng, nhiệm vụ: “quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND” mà không thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Về nội dung này, đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng UBND các cấp thực hiện và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trên, bảo đảm phù hợp với quy định… Đồng thời, cần quy định cụ thể hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng để bảo đảm hiệu quả, thống nhất trong thực hiện (khoản 6).
Dẫn quy định tại điểm b, khoản 10 Điều 22: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút”…, đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị quy định rõ mốc thời lượng của chương trình vui chơi giải trí tương ứng với số lần quảng cáo được ngắt để quảng cáo nhằm bảo đảm chất lượng chương trình.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cũng bày tỏ tán thành loại ý kiến thứ hai: Đề nghị giữ nguyên quy định thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% theo Luật Quảng cáo năm 2012, vì thực tế người xem đã phải trả phí cho việc xem truyền hình trả tiền.
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cũng cho rằng: Quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 23 đang can thiệp vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp nền tảng và người dùng, ảnh hưởng lớn tới các bên đang hưởng lợi từ kinh doanh dựa trên quảng cáo - một mô hình kinh doanh ngày càng phổ biến… Bên cạnh đó, quy định cho phép người dùng tắt quảng cáo sau 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo chắc chắn sẽ khiến người có nhu cầu quảng cáo cân nhắc lựa chọn dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng do thời lượng quảng cáo trong 6 giây là ngắn, không đủ để người xem có thể tiếp nhận hết thông tin quảng cáo. Như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ miễn phí của họ.
Do đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị bỏ quy định cho phép người dùng tắt quảng cáo sau 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và chỉnh sửa điểm b, khoản 2 Điều 23 như sau: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để người xem có thể tắt quảng cáo; không quảng cáo quá 2 lần liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp…”
Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật này, ĐBQH Hoàng Trung Dũng (Hà Tĩnh) cũng bày tỏ băn khoăn về một số chương trình giải trí truyền hình hiện nay, hoặc một số quảng cáo phản cảm, ít nhiều ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa của dân tộc... Đồng thời, cho rằng: dự thảo Luật phải đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng phải bảo đảm được về mặt tư tưởng, nội dung; đồng thời, chú ý thuần phong mỹ tục của dân tộc.