Quy định có lợi cho ai?

- Thứ Bảy, 20/02/2021, 06:45 - Chia sẻ
Đề nghị bỏ quy định thời hạn ủy quyền cấp giấy chứng nhận hàng hóa (C/O); nếu không bỏ thì đại diện các tổ chức được ủy quyền cấp C/O cho rằng cần quy định rõ các thủ tục liên quan. Đây là vấn đề được nêu lên trong quá trình Bộ Công thương lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định điều kiện, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O.

Điều 5, Dự thảo quy định về thời hạn ủy quyền cấp C/O “tối đa là 05 năm” kể từ ngày Bộ Công thương ban hành quyết định ủy quyền; hết thời hạn này thì tổ chức ủy quyền sẽ được xem xét có tiếp tục được ủy quyền hay không. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc đặt ra thời hạn ủy quyền, nhằm mục đích kiểm soát việc các tổ chức được ủy quyền đáp ứng điều kiện để được cấp C/O. Tuy nhiên, hiện tại Dự thảo đang quy định các điều kiện mà các tổ chức được ủy quyền cấp C/O phải đáp ứng và phải duy trì trong suốt thời gian hoạt động. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thu hồi ủy quyền cấp C/O nếu không duy trì được điều kiện (Điều 7, Dự thảo); đình chỉ ủy quyền C/O nếu vi phạm các quy định về cấp C/O (Điều 6, Dự thảo).

Như vậy, cơ quan quản lý có thể đình chỉ ủy quyền; thu hồi ủy quyền C/O của tổ chức được ủy quyền nếu tổ chức này không đáp ứng điều kiện, mà không cần phải chờ đến hết thời hạn ủy quyền. Góp ý gửi về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đặt ra thời hạn ủy quyền có thể đưa đến nguy cơ các tổ chức ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền, khi điều kiện để ủy quyền tiếp chưa thực sự rõ ràng, phụ thuộc rất nhiều vào quyền quyết định của cơ quan ủy quyền. Thực tế, để đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 Dự thảo các tổ chức được ủy quyền phải đầu tư chi phí để tuyển dụng, đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất. Việc không được ủy quyền tiếp sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các tổ chức được ủy quyền. Mặt khác, việc không tiếp tục ủy quyền cho các tổ chức đã được ủy quyền trước đó vì hết thời hạn ủy quyền vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp C/O.

Từ việc tập hợp ý kiến của các tổ chức được ủy quyền, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về thời hạn ủy quyền - bỏ quy định tại Điều 5. Trong trường hợp phải giữ lại Điều 5, đề nghị Ban soạn thảo kéo dài thời hạn ủy quyền - có thể là 10 năm; đồng thời quy định theo hướng: nếu tổ chức được ủy quyền cấp C/O có nhu cầu và đáp ứng điều kiện theo quy định, Bộ Công thương sẽ tiếp tục ủy quyền; quy định rõ thủ tục để được ủy quyền tiếp (hồ sơ, thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định ủy quyền tiếp hay không?…).

Ngoài quy định trên, thì việc đình chỉ ủy quyền cấp C/O (Điều 6, Dự thảo) cũng nhận được nhiều ý kiến. Theo đó, Điều 6, Dự thảo quy định: tùy từng mức độ và hành vi vi phạm, Bộ Công thương sẽ xem xét việc đình chỉ ủy quyền cấp một hoặc nhiều loại mẫu C/O.

Trước đề xuất này, nhiều doanh nghiệp băn khoăn, với loại vi phạm nào, ở mức độ ra sao thì Bộ Công thương sẽ đình chỉ một mẫu C/O, trường hợp nào thì đình chỉ nhiều loại mẫu?, Thời hạn đình chỉ là bao lâu?. Đặc biệt, trong thời gian bị đình chỉ, tổ chức được ủy quyền phải thực hiện khắc phục như thế nào?. Chấm dứt đình chỉ trong trường hợp nào?. Thực tế cho thấy, đình chỉ ủy quyền cấp C/O là biện pháp quản lý ảnh hưởng lớn đến các tổ chức được ủy quyền cấp C/O và các doanh nghiệp.

Có thể thấy, những đề xuất trên mới chỉ dừng lại ở góc độ quản lý, mà chưa đặt trong bối cảnh tạo thuận lợi cho các tổ chức được ủy quyền, cho chính bộ quản lý với những quy định điều kiện chồng điều kiện hoặc có những quy định mà tổ chức được ủy quyền không biết xử lý thế nào.  

Phạm Hải