Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp

CP 04/11/2014 18:08

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp.

Theo đó, Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.
 
Tổng cục Thi hành án dân sự có nhiệm vụ xây dựng để Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền: Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của UBTVQH; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; dự thảo thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các văn bản khác về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính. Tổng cục xây dựng Chiến lược, chương trình quốc gia, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm, dự thảo báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính.
 
Tổng cục Thi hành án dân sự trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định: thành lập, giải thể cơ quan thi hành án dân sự; các phòng chuyên môn và tổ chức tương đương thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quản lý tổ chức, công chức của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; Quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, biểu mẫu, giấy tờ về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính; Quy định về thống kê thi hành án dân sự và thi hành án hành chính.
 
Quyết định cũng nêu rõ, Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính sau khi được phê duyệt, ban hành; thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra việc thi hành vãn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tổng cục có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm bản án, quyết định dân sự, hành chính của Tòa án và các quy định khác theo quy định của pháp luật. Tổng cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật. Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện thanh tra về quản lý thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính và xử lý hành vi không chấp hành án theo quy định của pháp luật....
 
Tổng cục Thi hành án dân sự được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất, có cơ cấu tổ chức gồm: Cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự ở Trung ương; cơ quan Thi hành án dân sự ở địa phương.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO