Quy định chặt chẽ về địa điểm đấu giá tài sản

- Thứ Năm, 15/04/2021, 08:30 - Chia sẻ
Điều 37, Luật Đấu giá tài sản quy định: “Cuộc đấu giá được tổ chức tại trụ sở của tổ chức đấu giá tài sản, nơi có tài sản đấu giá hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Điều này được hiểu: Cuộc đấu giá được thực hiện tại trụ sở của tổ chức đấu giá, nơi có tài sản đấu giá hoặc theo thỏa thuận của người có tài sản và tổ chức đấu giá, bất cứ nơi đâu...

Mục đích của quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút được nhiều người tham gia đấu giá và nâng cao được giá trị tài sản bán đấu giá. Tuy nhiên, trong một số trường hợp lại gây khó khăn cho những tổ chức, cá nhân muốn tham gia đấu giá. Đó là tình trạng một số người có thẩm quyền quản lý tài sản công đã tùy tiện trong việc quyết định lựa chọn địa điểm đấu giá bất hợp lý, gây khó khăn cho người thực tế muốn mua tài sản đấu giá. Đây cũng là một trong những nguyên dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Trong thực tế vì lý do nào đó không rõ ràng, không chính đáng mà nhiều tài sản công ở tỉnh này nhưng việc đấu giá lại được tổ chức ở tỉnh khác, có khi điểm đấu giá cách xa hàng ngàn kilomet so với nơi có tài sản đấu giá. Chính vì lựa chọn địa điểm tổ chức đấu giá bất hợp lý như vậy, nhất là khi đấu giá tài sản nhà nước hoặc nguồn gốc công lập đã hạn chế số lượng người đăng ký tham gia đấu giá, với lý do quá xa!

Thực tế, không hiếm các trường hợp: Đơn vị sở hữu tài sản công nằm ở tỉnh A nhưng bất động sản lại ở tỉnh B, còn tổ chức được thuê tổ chức đấu giá có trụ sở tại tỉnh C và khi tổ chức đấu giá thì lại được triển khai tại tỉnh D. Với việc một tài sản công đưa ra bán đấu giá mà có liên quan đến 4 tỉnh, thành thì việc quản lý, kiểm soát tiêu cực là rất khó khăn. Đó là chưa kể có tình trạng tài sản một nơi nhưng tổ chức đấu giá một nơi khác xa xôi, hẻo lánh nào đó cách xa hàng ngàn kilomet chứ không phải là trung tâm kinh tế - xã hội nhằm thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

Việc tổ chức đấu giá tài sản công quá xa nơi có tài sản làm tăng chi phí đấu giá, nhất là tổ chức có tài sản phải tốn thời gian, chi phí ăn ở, đi lại khi tham dự buổi đấu giá... Đặc biệt sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm hoặc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc đấu giá nếu có. Ngoài ra, cũng khó để người dân, cơ quan giám sát về tính công khai, minh bạch trong việc tiến hành phiên đấu giá.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định đối với tài sản công hoặc có nguồn gốc nhà nước việc tổ chức đấu giá phải trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp đặc biệt cần thiết tổ chức ngoài phạm vi này phải được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Điều này nhằm tránh tình trạng tùy tiện, tự ý tổ chức đấu giá các tài sản công ở những địa điểm xa nơi có tài sản có thể gây khó khăn cho người có nhu cầu thực tế tại địa phương. Đồng thời, hạn chế tiêu cực, tham nhũng cũng như tạo điều kiện cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động bán đấu giá tài sản - lĩnh vực khá nhạy cảm, phức tạp dễ gây thất thoát, tiêu cực hiện nay.

Phạm Chung