- Cần nhiều giải pháp thu hút người lao động "ở lại" với bảo hiểm xã hội
- Thiết kế nhiều gói chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Cần giám sát quỹ bảo hiểm xã hội thường xuyên để có cảnh báo kịp thời
- Lựa chọn phương án tối ưu trong quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần
- Cần nhiều giải pháp để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội
- Để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành trụ cột bền vững của an sinh - xã hội
Xem xét kỹ lưỡng việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội khẳng định, bảo hiểm xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và quyền lợi tốt nhất cho người lao động.
Quan tâm đến đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, các đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đã đề xuất nhằm góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Theo ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cho thấy dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28/NQ-TW đó là “mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, vấn đề cần quan tâm là nhiều người trong số nhóm đối tượng dự kiến được mở rộng như: người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người làm việc không trọn thời gian; người quản lý, điều hành hợp tác xã... đều là những người có thu nhập thấp.
Đại biểu Phạm Thị Kiều nêu thực tế, hiện nay phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng nêu trên rất thấp mà phải trích nộp bảo hiểm xã hội thì phần thực nhận của họ sẽ còn thấp hơn nữa, trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ.
Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cũng đề nghị, tiếp tục nghiên cứu quy định tại điểm a, khoản 1, điều 3 của dự thảo Luật về mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động”.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho rằng, quy định trên rất khó triển khai trong thực tế và không thể áp dụng một cách triệt để, hiệu quả bởi hiện nay có rất nhiều trường hợp lao động đặc thù không có giao kết hợp đồng lao động, không xác định được tiền lương, tiền công ổn định hàng tháng làm cơ sở cho việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện. Có thể kể đến như lao động theo giá trị sản phẩm, lao động thời vụ, lao động giản đơn theo công việc... Do đó, đại. biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ hơn về nhóm đối tượng này khi đưa vào đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để bảo đảm tính khả thi và bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.
Cần thống nhất về chế độ trợ cấp hưu trí
Liên quan đến việc giảm tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) bày tỏ tán thành và cho rằng đây là nội dung rất cần thiết. Dẫn báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu cho biết, nhóm đối tượng này có khoảng trên 800.000 người. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, đưa vào trong dự thảo Luật hay chỉnh sửa trong Luật Người cao tuổi thì cần tiếp tục cân nhắc thêm để bảo đảm phù hợp và đồng bộ.
Chung quan điểm, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, theo quy định của Luật Người cao tuổi hiện nay, người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu được trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng. Nhưng dự thảo Luật lại quy định trợ cấp hưu trí xã hội cho tất cả công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Vậy sẽ bỏ quy định trong Luật Người Cao tuổi hay vẫn giữ nguyên? Nếu bỏ thì chế độ bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng những người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ giải quyết như thế nào?
Từ những băn khoăn nêu trên, đại biểu Ma Thị Thuý nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần có báo cáo làm rõ hơn quy định này về đối tượng, độ tuổi, tên gọi, mức trợ cấp, các chính sách có liên quan, nguồn lực thực hiện và tính liên thông, tính đa tầng với các quy định khác nhằm bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc đã nêu trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, tại điểm a, khoản 1, Điều 22 quy định: mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị, phải quy định cụ thể mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng so với mức lương tối thiểu để thuận lợi cho việc xác định kinh phí để bảo đảm thực hiện.
Ngoài ra, về trợ cấp hưu trí đối với người 75 tuổi trở lên tại Điểm b, khoản 1 của Điều 22 quy định là tùy thuộc điều kiện kinh tế xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động nguồn lực xã hội tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đại biểu Trần Khánh Thu, điều này chưa bảo đảm nguyên tắc thống nhất, bình đẳng chung trong cả nước. Sau khi Luật có hiệu lực, giữa các vùng, các tỉnh lại có quy định thêm thì chế độ của người cao tuổi ở địa bàn này lại không giống với địa bàn khác. Vì vậy, phải cân nhắc xem xét lại quy định này và có chính sách chung cho cả nước.