Quy định càng cụ thể càng tốt

Hạnh Nhung thực hiện; Ảnh: Duy Thông 20/10/2022 06:53

Theo các chuyên gia, quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) càng cụ thể càng tốt, để người dân khi đọc luật này sẽ biết phải gặp ai, làm gì để được bảo vệ quyền lợi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường TẠ ĐÌNH THI:
Phải bảo đảm sự đồng bộ

Quy định càng cụ thể càng tốt -1

Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần định vị rõ nét Luật này trong hệ thống các quy định pháp luật liên quan. Luật Giao dịch điện tử sẽ là khung, là nền tảng về mặt kỹ thuật để tạo điều kiện cho các giao dịch trên không gian mạng được tiến hành. Hai dự án luật cùng được trao đổi, thảo luận tại Kỳ họp thứ Tư sẽ rất thuận lợi cho quá trình bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cũng cần nhắc lại, kết luận khi thảo luận cho ý kiến về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải thực hiện nguyên tắc xuyên suốt, bảo đảm quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, người phân phối tuân thủ pháp luật Việt Nam; phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân, thông lệ quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên. Đây là yêu cầu rất cao và trong thời gian tới chúng ta phải cố gắng thực hiện được.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh TRỊNH XUÂN AN:
Nên có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chương III, dự thảo Luật quy định Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tôi đề nghị đổi tên thành Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử và không gian mạng. Đồng thời, trên cơ sở Chỉ thị của Ban Bí thư về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần rà soát Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP liên quan đến vấn đề này.

Quy định càng cụ thể càng tốt -6

Về bảo vệ thông tin cá nhân, chúng tôi đã có thẩm tra và đang hướng tới xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật, có thể là một Nghị định hay hướng tới xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có thẩm tra, ý kiến về nội dung này. Cá nhân tôi cho rằng, nên có một luật riêng để đồng bộ, thống nhất trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là gắn với thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện, trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có tới 5 điều quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tản mát trong luật này có hơn 10 điều. Vậy tại sao không có chương quy định riêng? Nếu không thì nên tách hẳn một mục bảo vệ thông tin cá nhân.

Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương TRỊNH ANH TUẤN:
Công tác bảo vệ người tiêu dùng được thực hiện thường xuyên, liên tục

Trên thực tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là công tác được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm, hay trong bối cảnh dịch bệnh.

Quy định càng cụ thể càng tốt -0

Trong thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nói riêng.

Theo đó, Cục đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương tổ chức ký cam kết với các sàn thương mại điện tử để trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại thì các sàn phải tiếp nhận và công bố minh bạch các quy trình tiếp nhận, xử lý khiếu nại của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các bên liên quan như quản lý thị trường để tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường cảnh báo, khuyến cáo cho người tiêu dùng về các hành vi, phương thức, tổ chức, cá nhân kinh doanh có khả năng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử…

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương LẠI VIỆT ANH:
Tăng trách nhiệm giải trình 

Thương mại điện tử là phương thức, hoạt động thương mại, cho nên bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng thì chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh phải tuân thủ tất cả các quy định khác, nghĩa vụ của người sản xuất kinh doanh. Còn trong dự thảo Luật có riêng một chương chỉ đề cập tính đặc thù của giao dịch trên không gian mạng và có hai đặc thù.

Quy định càng cụ thể càng tốt -5

Thứ nhất, người tiêu dùng ở môi trường truyền thống được trải nghiệm trước khi muốn mua hàng được nắm, được thử còn ở trên thương mại điện tử chỉ dựa vào thông tin, cho nên đây là vấn đề mấu chốt.

Thứ hai, vai trò của những nhà vận hành nền tảng cần được điều chỉnh chi tiết để tăng trách nhiệm giải trình đối với người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến cần được điều chỉnh để giảm mức thấp nhất sự bất đối xứng thông tin giữa người tiêu dùng và người kinh doanh trên nền tảng trực tuyến. Đấy sẽ là những yếu tố mang tính mấu chốt của quy định về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng mà Luật cần giải quyết.

PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:
Cần bảo vệ người tiêu dùng từ những điều nhỏ nhất

Về mặt nguyên tắc, các quy định càng tồn tại lâu dài càng tốt, nhưng tôi mong muốn các quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) phải càng cụ thể càng tốt, để người dân khi đọc luật này sẽ biết trong trường hợp là nạn nhân thì sẽ đến cơ quan, tổ chức nào hoặc làm thủ tục gì để bảo đảm quyền lợi.

Quy định càng cụ thể càng tốt -2

Chúng ta cần bảo vệ người tiêu dùng từ những điều nhỏ nhất, thậm chí chỉ từ mức 100.000 đồng. Bởi chính những sự việc tưởng như nhỏ sẽ dẫn đến những hệ lụy khác to lớn hơn. Đồng thời, cần bảo đảm các thủ tục thực hiện trên nền tảng số để giảm thời gian đi lại của người dân. Thực hiện được điều này, luật mới đi vào đời sống.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam NGUYỄN MẠNH HÙNG:
Mở rộng đối tượng điều chỉnh để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn

Quy định càng cụ thể càng tốt -3

Hiện, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tiến bộ hơn rất nhiều so với Luật cũ và được điều chỉnh rộng khắp nhiều lĩnh vực, nhiều điều khoản. Trong đó, có các quy định, điều chỉnh về trách nhiệm của người bán hàng, các đơn vị trung gian và cả các quy định về nền tảng bán hàng, đăng ký gian hàng. Đây là những sửa đổi rất ý nghĩa. Chắc chắn, sẽ giúp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và trong các giao dịch đặc thù (trên không gian mạng) sẽ tốt hơn.

Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Ví điện tử MoMo ĐOÀN TỬ TÍCH PHƯỚC:
An toàn, bảo mật luôn là ưu tiên hàng đầu

Ý thức được là một trong những đơn vị cung cấp các dịch vụ tài chính, kể từ năm 2016, công tác bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng của MoMo đã được áp dụng theo chuẩn cao nhất đối với các dịch vụ tài chính. Chúng tôi không chỉ bảo vệ người tiêu dùng trong một vài giao dịch mua bán cụ thể mà bảo vệ cả nguồn tiền, tài khoản, tức là nguồn tiền dự trữ, dữ liệu cá nhân của họ.

Quy định càng cụ thể càng tốt -4

Theo đó, người tiêu dùng được bảo vệ bằng xác thực hai bước: bởi mật khẩu và bởi OTP cho mỗi giao dịch. Đối với OTP, áp dụng không phải bằng tin nhắn mà thông qua cuộc gọi, tính an toàn sẽ cao hơn.

Đối với mật khẩu, bên cạnh nhập thông qua thiết bị, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ mới như nhận dạng sinh trắc học, mống mắt, khuôn mặt, vân tay để bảo mật tốt hơn. Bên cạnh đó, MoMo cũng sử dụng những công nghệ mới để phân tích hành vi, phát hiện những yếu tố đáng ngờ để đưa ra những cảnh báo và bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy định càng cụ thể càng tốt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO