Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), dự thảo Luật lần này bổ sung quy định: Đối với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc. Về chính sách khuyến khích để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định về mức đóng BHXH tự nguyện do người lao động tự lựa chọn nhưng mức đóng thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo và mức đóng cao nhất không quá 20 tháng lương cơ sở.
Về quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, dự thảo Luật quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Dự thảo Luật quy định giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH và bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc cơ quan BHXH cấp tỉnh và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH. Về quy định bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiếp thu ý kiến ĐBQH, nội dung bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật BHXH (sửa đổi) đã chuyển sang dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn; quy định chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động để người lao động được quyền lựa chọn hình thức dưỡng sức phù hợp; bỏ quy định tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo; xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH; giải quyết quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ, chiếm dụng tiền đóng BHXH và không còn tài sản để giải quyết; quy định quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn;…
Đại biểu đã thảo luận cho ý kiến về những nội dung cụ thể của Dự thảo Luật.
- Về bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc. ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lập luận, nếu cho rằng đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã không có thời gian làm việc ổn định nên chỉ hưởng phụ cấp là không phù hợp với thực tế. Tại cơ sở, cán bộ không chuyên trách làm việc như cán bộ chuyên trách cả về thời gian và công việc. Hiện nay, nhiều cán bộ không chuyên trách ở cấp xã rất thiệt thòi khi có thời gian làm việc lâu dài nhưng đến tuổi nghỉ hưu lại không có chế độ gì, không được hưởng BHXH. Về bố trí kinh phí hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ không chuyên trách. Nếu tham gia BHXH tự nguyện, nhà nước hỗ trợ 10%, nếu tham gia BHXH bắt buộc, nhà nước hỗ trợ 14%. Chênh lệch về mức hỗ trợ giữa hai hình thức là 4%, tương đương 126 tỷ đồng/năm. Với khoản kinh phí chênh lệch này cũng không bù đắp hết những khó khăn mà đội ngũ cán bộ không chuyên trách phải vượt qua.
Đề nghị quy định BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cho rằng, trong việc bảo đảm an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Hiện những đối tượng này chỉ được hưởng mức phụ cấp tương đối thấp, lại không được hỗ trợ tham gia BHXH bắt buộc khó có thể động viên sự toàn tâm, toàn ý đối với công việc. Nếu được tham gia BHXH bắt buộc, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ góp phần thu hút thế hệ trẻ có năng lực về gắn bó với công việc không chuyên trách tại cấp xã. Đồng thời, quy định này sẽ bảo đảm cho người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã được quyền an sinh xã hội đã được quy định tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013.
- Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng,ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị, để bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc có đóng có hưởng và an toàn của quỹ, giảm thiểu tác động của việc điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động; đồng thời tạo điều kiện cho người lao động của thời gian thích ứng với sự thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng-hưởng, đại biểu đề nghị chọn phương án 1, điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
- Về cơ cấu tổ chức cơ quan BHXH,ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, quy định BHXH như tại khoản 1 điều 93 của dự thảo Luật vô tình đã biến BHXH thành tổ chức không giống tổ chức nào trong Chính phủ. Đại biểu đề nghị QH xem xét quyết định việc xác định BHXH là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước. Mặc dù quy định như vậy chưa hoàn toàn phù hợp với cơ quan tổ chức Chính phủ theo quy định của pháp luật nhưng còn tốt hơn là quy định BHXH cơ quan nhà nước một cách chung chung như trong dự thảo Luật. Hơn nữa việc xác định BHXH của cơ quan có chức năng quản lý nhà nước thể hiện quan điểm coi việc bảo đảm an sinh xã hội đúng với bản chất và tầm quan trọng vốn có của nó đối với xã hội.
Cho rằng việc giao BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cần thiết, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị cần cân nhắc việc giao BHXH thanh tra việc đóng BHXH theo quy định tại khoản 3 điều 13. Cho dù việc BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Thanh tra. Nhưng nếu đã giao thì giao cho BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
+ Trước đó, QH đã nghe Tờ trình, Báo cáo một số vấn đề và Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; nghe Tờ trình, Báo cáo một số vấn đề và Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
+ Buổi chiều, QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 29
Chiều 9.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật đã họp Phiên toàn thể lần thứ 29.