Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải minh bạch

- Thứ Tư, 27/03/2013, 08:36 - Chia sẻ
Trong những ngày qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã giảm, nhưng quỹ bình ổn vẫn phải trích lượng tiền bù giá tương đương như thời điểm giá cao. Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành từ tiền của người mua xăng nên cơ quan chức năng và doanh nghiệp không thể không đưa ra giải trình rõ ràng về cách sử dụng này.

Nguồn: ITN

Trong hai tuần đầu tháng 3.2013, giá xăng A92 tại thị trường Singapore - là nguồn nhập khẩu xăng dầu chính của nước ta, đã giảm từ mức 130 - 132 USD/thùng xuống mức 120 USD/thùng. Hiện giá xăng A92 tiếp tục giảm xuống còn khoảng 118 USD/thùng. Theo giá nhập khẩu trung bình 30 ngày, giá cơ sở mặt hàng xăng A92 (không tính cộng 300 đồng lợi nhuận định mức vào giá cơ sở) chỉ còn cao hơn giá bán lẻ khoảng 1.000 đồng/lít, tức doanh nghiệp về lý thuyết chỉ còn lỗ 1.000 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, do mỗi lít xăng đang được sử dụng 2.000 đồng từ quỹ bình ổn giá nên thực tế doanh nghiệp đang lãi 1.000 đồng/lít. Tương tự, ở mặt hàng dầu DO, cũng nhờ được sử dụng quỹ bình ổn với 800 đồng/lít nên doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận cao. Ngoài ra, trong nửa đầu tháng 2.2012, do giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng cao nên các doanh nghiệp đều giảm lượng nhập khẩu. Vì thế, thực lỗ của doanh nghiệp không nhiều như bảng tính giá cơ sở.

Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang lãi do được sử dụng quỹ bình ổn giá. Trong khi, theo quy định tại Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu và hướng dẫn của Bộ Tài chính về cơ chế trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, thì quỹ này chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá. Cụ thể, khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng làm giá cơ sở tăng cao hơn giá bán lẻ thì doanh nghiệp đầu mối được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mức sử dụng bao nhiêu phụ thuộc vào mức tăng giá thế giới và quyết định của tổ điều hành giá xăng dầu. Nói cách khác, quỹ này thực chất là khoản tiền ứng trước của người tiêu dùng khi mua xăng đối với doanh nghiệp để có thể sử dụng nhằm giữ giá bán khi thị trường thế giới biến động.

Doanh nghiệp không phải hy sinh lợi nhuận của mình để giữ giá bán, mà khoản tiền bù giá này là của chính người mua. Vậy mức lãi 1.000 đồng/lít xăng của doanh nghiệp đầu mối trong những ngày qua có hợp lý hay không? Chưa kể, giá cơ sở và giá bán lẻ của dầu DO hiện đã tương đương nhau. Doanh nghiệp đầu mối không lỗ khi kinh doanh mặt hàng này song hiện cũng được trích quỹ bình ổn 800 đồng/lít. Tất nhiên, giá xăng dầu và quỹ bình ổn cần được điều chỉnh linh hoạt để có đủ lượng kinh phí giữ ổn định giá bán khi thị trường biến động mạnh. Nhưng người tiêu dùng sẽ phải hiểu như thế nào về việc doanh nghiệp đầu mối đã có bẩy lần tăng chiết khấu cho các đại lý bán lẻ từ đầu tháng 3 đến nay? Trong khi, không khó hiểu mục đích của việc tăng chiết khấu cho đại lý là để tăng lượng hàng bán ra. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong sản xuất, sinh hoạt nên việc tăng lượng hàng bán ra không phải để giải phóng hàng tồn kho. Vậy có phải doanh nghiệp tăng bán ra là để có thể tận dụng quỹ bình ổn, thu lợi cho mình nhiều hơn không?

Với mức trích hiện nay, đáng ra giá xăng bán lẻ sẽ rẻ hơn 300 đồng/lít, nhưng người dân vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít để tạo một nguồn quỹ, sử dụng bù lại khi giá thế giới tăng. Do đó, nếu không giảm mức trích quỹ bình ổn hay giảm giá bán xăng dầu thì mỗi người tiêu dùng đang bị móc túi khoảng 1.000 đồng/lít. Song vấn đề ở đây không chỉ là điều chỉnh giảm giá bán xăng hay giảm mức trích quỹ. Các chuyên gia đã nhiều lần nhấn mạnh phải minh bạch trong sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi nếu không có thể dẫn đến sự lạm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, dựa vào cơ chế điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, xin - cho cả về thời điểm cũng như mức trích lập và sử dụng quỹ.

Lê Bình