Tăng trưởng năm 2020 có thể đạt mức 2 - 3%?

- Thứ Ba, 29/09/2020, 21:24 - Chia sẻ
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29.9, dù kinh tế quý III có phần khởi sắc hơn nhưng tăng trưởng GDP 9 tháng cũng chỉ đạt 2,12%. Tuy nhiên, theoTổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, mức tăng trưởng này là thành công lớn trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế. Bà Hương cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế trong quý IV sẽ đạt mức cao hơn, giúp tăng trưởng cả năm có thể đạt mức 2 - 3%.

GDP 9 tháng tăng thấp nhất 10 năm qua

Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tăng trưởng GDP quý III đạt 2,62%, con số này cao hơn quý II (0,39%). Tuy vậy, tăng trưởng GDP 9 tháng cũng chỉ đạt 2,12%, thấp xa mức đạt được cùng kỳ năm trước là 7,04%. Đây cũng là mức tăng GDP thấp nhất của 9 tháng kể từ năm 1990. 

Trong đó, ngành công nghiệp chỉ tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020 - đóng góp 0,91% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ  nhưng vẫn đóng góp 1,02%. Ngành xây dựng tăng 5,02% - cao hơn mức giảm 0,01% và tăng 2,78% của 9 tháng năm 2011 và năm 2012 - đóng góp 0,33% mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khi đó, tăng trưởng của ngành khai khoáng giảm 5,35% - làm giảm 0,32% mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, do sản lượng dầu thô khai thác giảm 14,1% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%.

Khu vực dịch vụ đóng góp 28,03% vào tăng trưởng chung nhờ mức tăng 1,37%, dù chịu nhiều ảnh hưởng từ hai làn sóng Covid-19. Còn khu vực nông - lâm nghiệp - thuỷ sản ghi nhận mức tăng trưởng 1,84% so với cùng kỳ do chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh, nên chỉ đóng góp 13,62% vào mức tăng tưởng chung của nền kinh tế.

Bà Hương dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, nhưng tăng trưởng kinh tế trong quý IV sẽ đạt mức cao hơn, giúp tăng trưởng cả năm đạt mức 2 - 3%. Thực tế, kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa; Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai có thể giúp Việt Nam khôi phục hoạt động xuất khẩu vào thị trường châu Âu - vốn là thị trường truyền thống lớn của Việt Nam. Thời tiết năm nay thuận lợi cho hoạt động trồng trọt, nhiều loại cây ăn quả được mùa, hiện giá gạo và thị trường tiêu thụ một số nông sản ổn định. Việc tái đàn lợn hiện nay đang thực hiện tốt, đặc biệt là ở những cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn do cơ bản kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi...

Ngoài ra, Việt Nam đã trải qua ba tuần không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới và đang xem xét khả năng mở lại các đường bay quốc tế và trong nước theo phương án an toàn. “Điều này cho thấy tiềm năng các ngành vận tải, du lịch, khách sạn nhà hàng, nghệ thuật vui chơi giải trí sẽ gia tăng mạnh vào dịp cuối năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Hương cho biết.

Nguồn: ITN

Lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế "đẩy" CPI tăng 3,85%

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường; giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng trong thời tiết nắng nóng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011 là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9.2020 tăng 0,12% so với tháng trước. Bình quân quý III năm 2020, CPI tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng bình quân 9 tháng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng năm 2020 là do: tháng 1 và tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI chung tăng 0,15%. Cùng với đó, giá các mặt hàng thực phẩm bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 14,31% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 3,05%. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Bình quân 9 tháng năm 2020 giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số biện pháp kiềm chế CPI 9 tháng năm 2020 như: đã có 18 đợt điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó có 11 đợt điều chỉnh giảm giá xăng E5, 10 đợt điều chỉnh giảm giá đối với xăng A95 và 5 đợt tăng giá đối với cả hai mặt hàng xăng; 12 đợt điều chỉnh giảm, 5 đợt điều chỉnh tăng đối với các mặt hàng dầu diezen.

Thêm vào đó, nhu cầu du lịch giảm trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần 1 và lần 2 nên nhu cầu đi lại của người dân giảm, so với cùng kỳ năm trước khiến giá vé máy bay bình quân 9 tháng giảm 33,68%; giá vé tàu hỏa giảm 1,57%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2019.

“Bình quân 9 tháng năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu tăng. Lạm phát cơ bản so cùng kỳ giảm dần từ mức 3,25% trong tháng 01.2020 về mức 1,97% trong tháng 9.2020. Điều này phản ánh kết quả của điều hành chính sách tiền tệ trong 9 tháng đầu năm” bà Hương nói

Tuệ Anh