Lý do Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra dự báo này là một số nước có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn lương thực để dự trữ và ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Cụ thể, thị trường như Philippines, Trung Quốc và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để dự trữ lương thực.
Bên cạnh đó, theo EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch miễn thuế (175 euro/tấn) đối với 80.000 tấn gạo/năm, bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đây là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam thâm nhập thị trường EU.
Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh nhất khu vực châu Á.
Cụ thể, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam vào cuối tuần này lần lượt đạt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng khoảng 10 USD/tấn so với thời điểm cuối tuần trước.
Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan hiện được chào từ 480 – 482 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 475 – 482 USD/tấn ghi nhận vào cuối tuần trước.
Theo hãng Reuters, đà tăng của giá gạo Việt Nam và Thái Lan đang được hỗ trợ nhờ thông tin Indonesia sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong quý 1, xuất khẩu gạo đạt 1,7 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 ước đạt khoảng 9,1 triệu tấn; tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022; năng suất lúa ước đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha.
Kết quả trên cho thấy vụ lúa vừa được mùa vừa được giá và đây cũng là quý mặt hàng gạo có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 12 năm qua.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc và châu Phi vẫn chiếm tỷ trọng cao. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang Indonesia ghi nhận tăng trưởng đột biến trong hai tháng đầu năm 2023.