Quốc phục và việc xây dựng công nghiệp thời trang quốc gia
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải, nếu làm được quốc phục, chúng ta có thể tạo ra một thị trường lớn, tạo nhiều việc làm, xây dựng nền công nghiệp văn hóa thời trang mang dấu ấn quốc gia.

TS. Phan Thanh Hải nhắc lại, dư luận từng "dậy sóng" trước hình ảnh một vị đại sứ Việt Nam mặc bộ áo dài tay thụng trong lễ trình quốc thư. Có khen có chê, song số người tỏ thái độ dè bỉu, châm biếm là đa số. Nhà thiết kế Minh Hạnh khi đó nhận xét: chiếc áo dài một lần nữa "gây bão", thú vị vì cơn bão này đổ bộ vào áo dài nam giới. “Còn tôi vẫn luôn thắc mắc, vì sao khi nam giới mặc áo dài và xem đó là quốc phục thì chưa được chấp nhận trong khi áo dài của nữ giới đã được Bộ Nội vụ quy định thành lễ phục của phụ nữ Việt Nam?”, TS. Phan Thanh Hải băn khoăn.
Theo TS. Phan Thanh Hải, đó là do định kiến không đúng về chiếc áo dài nam. Sau khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, văn minh phương Tây, trong đó có Âu phục thắng thế; thời gian và những biến động lịch sử đã khiến chiếc áo dài truyền thống bị hiểu theo nghĩa méo mó. Nếu áo dài nữ may mắn được nhìn nhận, thậm chí trở thành biểu tượng vẻ đẹp trang phục của phụ nữ Việt Nam, thì áo dài nam vẫn bị đánh đồng với những gì là cổ hủ, lạc hậu. Trong khi đó, áo dài nam, áo ngũ thân từng là quốc phục suốt hơn 100 năm; thời vua Minh Mạng thậm chí còn mong muốn sự đồng nhất về văn hóa thông qua nhận diện về trang phục.
Vài năm trở lại đây, phong trào phục hưng các loại cổ phục và tìm về quốc phục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong giới trẻ, lớp người ít bị các định kiến về quá khứ chi phối. Tại cố đô Huế, nơi khai sinh ra chiếc áo dài ngũ thân, chính quyền địa phương đã giao ngành văn hóa chủ trì nghiên cứu và xây dựng đề án “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam”. Và từ tháng 9.2020, ngành văn hóa Thừa Thiên Huế đã khuyến khích đưa áo dài nam vào công sở.
TS. Phan Thanh Hải cho rằng, đã đến lúc phải có đánh giá nghiêm túc, đầy đủ và khách quan về áo dài Việt Nam truyền thống, đặc biệt là áo dài nam. Quốc phục phải là bộ trang phục truyền thống, chứa đựng ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc chứ không phải là sản phẩm của một sáng tạo mới. Tuy nhiên, để áo dài trở thành quốc phục của nam giới, cần đầu tư nghiên cứu và ban hành quy định cụ thể về kiểu dáng, màu sắc, và quan trọng nhất là phải có quyết tâm chính trị của cả hệ thống.
Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã và đang phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử xây dựng Đề án "Văn hóa Huế - Con người Huế: bảo tồn và phát triển". Đề án nhằm nghiên cứu, xác định rõ những đặc trưng cụ thể, cái hay, cái đẹp để gìn giữ, bảo tồn, những điều không còn phù hợp sẽ được điều chỉnh. Trong đó, bên cạnh khôi phục nét đẹp văn hóa dựng và hạ cây nêu ngày Tết, Đề án chủ trương mặc áo dài ngũ thân trong công sở cũng như cuộc sống ở Huế.
"Chủ trương này thêm khẳng định rõ hơn tầm quan trọng của quốc phục khi Việt Nam bước vào hội nhập. Tôi mong muốn nét đẹp này lan tỏa trên khắp cả nước, để áo dài trở thành quốc phục của Việt Nam, tạo nên nhận diện văn hóa về trang phục. Đương nhiên, khi đó quốc phục không còn là vấn đề nhỏ, nếu làm được quốc phục, chúng ta có thể tạo ra một thị trường lớn, tạo nhiều việc làm, lớn hơn nữa là xây dựng nền công nghiệp văn hóa thời trang mang dấu ấn quốc gia”, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.