Quốc Oai vươn lên tốp đầu
Từ một huyện ven đô bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, nhờ sự lãnh, chỉ đạo đúng và trúng của cấp ủy, chính quyền, cùng sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân địa phương, Quốc Oai đã nằm trong tốp dẫn đầu và phấn đấu đạt huyện NTM vào năm 2018.
Phát huy dân chủ trực tiếp
Giai đoạn 2011 - 2014, toàn huyện Quốc Oai chỉ có ba xã: Nghĩa Hương, Phú Cát và Phượng Cách đạt chuẩn NTM. Quốc Oai liên tục nằm ở nhóm cuối trong xây dựng NTM. Từ năm 2015, huyện đã thay đổi cách làm, không thực hiện dàn trải, mà ưu tiên tập trung cho những xã có điều kiện về đích sớm. Đồng thời, BCĐ huyện làm việc với từng xã, rà soát, đánh giá từng tiêu chí cụ thể, bàn phương án giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh đấu giá đất, kêu gọi xã hội hóa để có nguồn lực. Năm 2015, huyện có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, năm 2016 có thêm 6 xã, nâng tổng số lên 16/20 xã về đích.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Lâm gắn bó với phong trào xây dựng NTM của huyện từ những ngày đầu còn nhiều gian khó. Ông chia sẻ, thành công mà huyện có được ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì không thể không kể đến sự đoàn kết, đồng lòng của người dân. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã huy động được 1.265 tỷ đồng cho NTM, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách là 189 tỷ đồng. Nhiều hộ tiêu biểu như: Gia đình ông Tạ Quang Hải (xã Sài Sơn) đã ủng hộ 879 triệu đồng để làm sổ tiết kiệm cho hộ nghèo và xây dựng cổng làng; gia đình ông Nguyễn Xuân Sơn ở xã Đồng Quang đã ủng hộ 400 triệu đồng xây dựng cổng làng thôn Yên Nội... “Có được sự ủng hộ nhiệt tình về sức người, sức của trong nhân dân là nhờ Quốc Oai đã phát huy tối đa dân chủ, luôn lấy dân làm gốc, lấy lợi ích của dân làm kim chỉ nam cho mọi hành động, quyết sách” - ông Lâm khẳng định.
![]() Ban chỉ đạo Chương trình 02 thăm mô hình sản xuất tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai |
Ảnh: Đào Cảnh |
Năm 2017, huyện Quốc Oai phấn đấu đưa 4 xã còn lại gồm Đồng Quang, Cộng Hòa, Hòa Thạch và xã Đông Yên về đích. 6 tháng đầu năm, huyện đã chỉ đạo 4 xã tổ chức lấy phiếu đánh giá công tác triển khai chương trình và tham gia góp ý kiến về công tác xây dựng NTM ở 7.000 hộ dân. Kết quả 100% số hộ có ý kiến đánh giá, 1.172 người tham gia ý kiến đầy đủ vào các lĩnh vực để cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu thực hiện. Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND và trưởng các phòng, ban của huyện cũng đã có 5 buổi làm việc với 4 xã để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các xã trong thực hiện Kế hoạch của BCĐ huyện. Đây là điểm mới, phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ và thể hiện sự quan tâm, sâu sát đến đời sống nhân dân của cấp ủy, chính quyền huyện Quốc Oai.
Chú trọng sản xuất nông nghiệp
Để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018, huyện Quốc Oai đề nghị TP hỗ trợ, bố trí kinh phí và cho phép triển khai trước Dự án Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, hiện đã có trong Quy hoạch Đô thị sinh thái Quốc Oai; bố trí vốn xây dựng Trường THPT Quốc Oai và Trường THPT Minh Khai đạt chuẩn quốc gia năm 2018 để bảo đảm tỷ lệ trên 60% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. |
Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Lê Thiết Cương từng nhấn mạnh: Trong xây dựng NTM, tiêu chí sản xuất vô cùng quan trọng. Bởi, nông dân từ lâu gắn bó, sống nhờ nông nghiệp, cho nên việc tìm ra giải pháp để nông dân làm giàu trên chính mảnh ruộng của họ là “kế sách” lâu dài nhất. Lợi ích thiết thực mà nông dân có thể nhìn thấy tức khắc là thu nhập được nâng cao, tạo động lực để họ tham gia nhiệt tình phong trào xây dựng NTM. Nắm được tinh thần đó, huyện Quốc Oai đã xác định nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, hiệu quả bền vững là một nhiệm vụ then chốt trong phát triển nông nghiệp của huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cho 16 xã với tổng diện tích 2.102ha, trong đó vùng sản xuất chuyên canh cây hàng năm, vùng sản xuất rau an toàn 276ha, vùng trồng lúa chất lượng cao 1.800ha, vùng chăn nuôi tập trung 104ha, trang trại tổng hợp 187ha, vùng trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi trồng thủy sản 1.544ha.
Đặc biệt, Quốc Oai là huyện được đánh giá là có hướng đi đúng và trúng chủ trương của BCĐ Chương trình 02 của Thành ủy vì đã quan tâm hỗ trợ nhân dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tạo ra các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản hiệu quả. Các hộ tham gia đều được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, ghi chép nhật ký để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 1.800ha sản xuất lúa hàng hóa tập trung; 220ha vùng trồng nhãn chín muộn xã Đại Thành với năng suất đạt trên 2.000 tấn/năm; phát triển vùng sản xuất chè an toàn với tổng diện tích 200ha ở xã Hòa Thạch; mô hình sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô 5ha trở lên ở cho giá trị kinh tế cao khoảng 333 - 445 triệu đồng/ha/năm, được tiêu thụ theo chuỗi liên kết với các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn TP; vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với các sản phẩm chính gồm: Bưởi Diễn, cam Canh, ổi… bước đầu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Ngoài ra, huyện có 402 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt tiêu chí của Bộ NN - PTNT có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, trên 200 gia trại có doanh thu từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm. Bình quân thu nhập các trang trại chăn nuôi từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Lâm phấn khởi chia sẻ, nhờ tập trung phát triển nông nghiệp mà đời sống người dân địa phương từng bước ổn định. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đến nay đạt 34,5 triệu đồng/người/năm. Chưa kể, tỷ lệ hộ nghèo ở Quốc Oai giảm mạnh qua từng năm, đến nay còn 0,8%. Thời gian tới, huyện Quốc Oai quyết tâm nâng thu nhập của người dân lên 39,5 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,5%; đồng thời dồn lực đầu tư cho 4 xã còn lại là Đồng Quang, Cộng Hòa, Hòa Thạch và xã Đông Yên về đích đúng hẹn.