
Theo thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, Trung tâm sẽ thực hiện triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”. Trên diện tích khoảng 200m2, triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được lựa chọn từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và một số tài liệu do gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước, gia đình nhạc sĩ Văn Cao, Nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến và các cơ quan, cá nhân cung cấp. Quá trình ra đời của các biểu tượng Việt Nam là những câu chuyện đặc biệt, xuất phát từ thực tế hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam qua từng giai đoạn.
Nội dung triển lãm được chia thành 4 phần. Phần I giới thiệu "Quốc kỳ - Cờ đỏ sao vàng: khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc Việt Nam". Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, xuất hiện lần đầu tiên trong khởi nghĩa Nam Kỳ, là biểu tượng thiêng liêng của hồn nước, lòng dân, của tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam, thể hiện nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
"Quốc ca: Giai điệu thiêng liêng, tự hào" (Phần II) chính là bài "Tiến quân ca" do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Bài hát "Tiến quân ca" ra đời đã cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước của bộ đội, nhân dân Việt Nam cùng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Phần III giới thiệu "Quốc huy: Biểu tượng nhà nước Việt Nam". Sự ra đời của Quốc huy Việt Nam gắn với vai trò, tài năng của cố họa sĩ Bùi Trang Chước. Ông đã phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam và được lựa chọn trình và được Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện.
Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy Việt Nam là bộ 3 biểu tượng chính thức, thể hiện đầy đủ, súc tích về đất nước và con người Việt Nam, về cội nguồn, ý chí, về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Có thể không đồng thời xuất hiện trong cùng một sự kiện, song cả 3 biểu tượng luôn giữ những vị trí quan trọng trong từng sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và ngoại giao của dân tộc. Những điều này được khẳng định trong phần 4 của triển lãm mang tên "Tự hào Việt Nam".
Triển lãm khai mạc vào 9 giờ ngày 1.9, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, số 34 Phan Kế Bính, Hà Nội. Ban Tổ chức mong muốn góp phần tôn vinh những biểu tượng dân tộc, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tiêu biểu, quý hiếm bảo quản tại Trung tâm.