Kỷ Hợi 1959 là năm áp chót của nhiệm kỳ QH Khóa I (1946 - 1960). Trong năm này, QH họp 2 kỳ (Kỳ họp thứ 10 với thời lượng 7 ngày, Kỳ họp thứ 11 họp trong 13 ngày). QH đã thực hiện một khối lượng khá lớn công tác lập hiến và lập pháp (sửa đổi Hiến pháp năm 1946, xây dựng Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Hôn nhân và gia đình).
Cũng trong hai kỳ họp trên, QH đã xử lý rất nhiều việc trọng đại: Thảo luận đề án QH Việt Nam tham gia Liên minh QH rồi ban hành nghị quyết về việc thành lập Đoàn ĐBQH nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tham gia Liên minh QH (nay là Liên minh Nghị viện thế giới - IPU), đồng thời xây dựng và ban hành Nội quy tham gia Liên minh QH của Đoàn; thảo luận và ra Nghị quyết về hợp tác hóa nông nghiệp; thảo luận và ban hành các nghị quyết về Báo cáo công tác năm 1959 và những chủ trương công tác lớn trong năm 1960 của Chính phủ; quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 1958, tổng dự toán NSNN năm 1959; quyết toán NSNN năm 1959 và tổng dự toán NSNN năm 1960; tuyên dương Quân đội Nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập (22.12.1944 - 22.12.1959) Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; ra Tuyên bố của QH về tình hình miền Nam. Trong hai kỳ họp, QH còn giải quyết nhiều việc quan trọng khác...
Đã 5 giáp - 60 năm, lại đến một năm Kỷ Hợi mới, chúng ta hãy điểm lại đôi nét điển hình nhất về công tác lập hiến, lập pháp diễn ra ở Kỳ họp thứ 11 và việc củng cố chính quyền các cấp trong năm Kỷ Hợi trước.
Về sửa đổi Hiến pháp: Dự thảo lần thứ nhất đã được trưng cầu ý kiến cán bộ trung cao cấp, các ĐBQH, các chính đảng, đoàn thể, các cơ quan chính quyền từ 1.7 đến 30.9.1958, trong 3 tháng đã có hơn 500 người tham gia với hơn 1.700 ý kiến thảo luận. Ban soạn thảo đã nghiên cứu kỹ các ý kiến đó, tiêp thu, chỉnh lý và hoàn thiện thành dự thảo thứ hai và ngày 1.4.1959 dự thảo đã được công bố để toàn dân đóng góp. Trong suốt 4 tháng hàng triệu lượt người đã tham gia nhiều ý kiến quý báu. Sau 27 phiên làm việc của Ban sửa đổi, dự thảo Hiến pháp đã đạt yêu cầu trình ra kỳ họp QH. Tại Kỳ họp thứ 11, ngày 18.12, Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trưởng ban) đã trịnh trọng trình bày trước QH bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Sau đó, QH đã thảo luận rất sôi nổi trong nhiều ngày với hơn 40 bản tham luận đề cập đến mọi khía cạnh theo các góc nhìn khác nhau trước khi biểu quyết... Và tới ngày 31.12.1959, QH đã họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua với sự nhất trí tuyệt đối 206/206 đại biểu có mặt.
Hiến pháp mới gồm Lời nói đầu và 112 điều. Nội dung có khá nhiều điểm mới lần đầu tiên được quy định cụ thể: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm (Điều 3). Tất cả các quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua QH và HĐND các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân (Điều 4). QH là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Điều 43). Nhiệm kỳ của mỗi khóa QH là 4 năm (Điều 45). Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, và là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Điều71). HĐND các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương (Điều 80). Nhiệm kỳ của HĐND tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương là ba năm. Nhiệm kỳ của mỗi khóa HĐND huyện, thành phố, thị xã, xã, thị trấn, khu phố là hai năm (Điều 81)...
Ngay sau khi QH thông qua Hiến pháp mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời phát biểu ngắn gọn nhưng khá sâu sắc, trong đó có đoạn “Nhân danh Trưởng ban sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi xin hoan nghênh và cảm ơn các tầng lớp nhân dân miền Nam, miền Bắc, kiều bào ở nước ngoài đã sôi nổi góp ý kiến vào bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Chúng tôi cảm ơn các vị đại biểu đã góp nhiều ý kiến dồi dào cho bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Chúng tôi cũng cảm ơn QH đã thông qua bản Hiến pháp... Ngày mai là năm mới, nhân dân ta có bản Hiến pháp mới, đó là một kỷ nguyên mới, đẩy mạnh tiến bộ mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”...
Về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội: Luật này mang số hiệu 3-SL được QH thông qua ngày 31.12.1959, nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện Hiến pháp mới, bầu cử ĐBQH Khóa II vào đầu năm 1960. Nội dung của Luật có nhiều điểm mang tính cách mạng: Ở mỗi đơn vị bầu cử, các chính đảng, các đoàn thể nhân dân có thể riêng biệt hoặc liên hiệp với nhau mà giới thiệu người ra ứng cử. Cá nhân có quyền tự ra ứng cử (Điều 24).
Ở miền Bắc, các dân tộc thiểu số khi ấy chiếm khoảng 1/7 tổng dân số, do đó Luật quy định cách tính toán để có thể bảo đảm 1/7 số đại biểu là người các dân tộc thiểu số. Cũng trong Kỳ họp thứ 11 này, QH đã nhất trí thông qua Nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu miền Nam trong QH. Nghị quyết khẳng định: “Các đại biểu miền Nam trong QH hiện nay được bầu ra trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến ở miền Nam, đã cùng nhân dân miền Nam đoàn kết và đấu tranh anh dũng trong kháng chiến. Từ ngày hòa bình lập lại, tập kết ra Bắc, đại biểu miền Nam tiếp tục đem nhiệt tình cách mạng để góp phần xây dựng miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. Nghị quyết đã quyết nghị: “Kéo dài nhiệm kỳ của các ĐBQH đã được nhân dân miền Nam bầu ra ngày 6.1.1946 cho đến khi có nghị quyết mới”.
Đại diện cho ĐBQH miền Nam tại Kỳ họp thứ 11, cụ Tôn Đức Thắng bày tỏ, “QH đã chiếu cố đến điều kiện của miền Nam và đã ra nghị quyết thừa nhận những đại biểu của miền Nam được kéo dài nhiệm kỳ cho đến khi có nghị quyết mới. Điều này làm cho nhân dân miền Nam cũng như chúng tôi đại biểu của miền Nam cảm thấy sung sướng và cảm động, vì đồng bào miền Nam chúng tôi, mặc dù thế, cũng được có đại diện của mình ở QH mới, được tham gia về ý kiến, về việc làm trong sự củng cố và xây dựng miền Bắc, cơ sở cho đồng bào miền Nam đấu tranh giải phóng bản thân mình... Nghị quyết ấy thể hiện mối tình ruột thịt, lòng thiết tha với thống nhất đất nước của các quý vị đại biểu”...
Về Luật Hôn nhân và gia đình: Đây là luật đầu tiên của lĩnh vực này. Luật quy định những vấn đề về nguyên tắc chung, kết hôn, nghĩa vụ và quyền lợi của vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ly hôn, điều khoản thi hành. Đặc biệt quan trọng là bốn nguyên tắc cơ bản của hôn nhân và gia đình, được quy định ngay tại Điều 1 của Luật. Đó là, Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đảng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hòa thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ.
Tiếp đó là: Xóa bỏ những tàn tích còn lại của chế độ hôn nhân phong kiến cưỡng ép, trọng nam, khinh nữ, coi rẻ quyền lợi của con cái (Điều 2). Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Cấm lấy vợ lẽ (Điều 3)... Những quy định này là chỗ dựa vững chắc, là vũ khí đấu tranh của nhân dân, nhất là chị em phụ nữ nhằm cải tạo quan hệ gia đình cũ, xây dựng, củng cố và phát triển những quan hệ gia đình mới bình đẳng, lành mạnh và tiến bộ...
Trong hoàn cảnh khi ấy (miền Bắc có khoảng 2 triệu người thuộc các dân tộc ít người), Luật Hôn nhân và gia đình có giao riêng cho UBTVQH một nhiệm vụ, đó là “Trong những vùng dân tộc thiểu số, có thể căn cứ vào tình hình cụ thể mà đặt ra những điều khoản riêng biệt đối với luật này. Những điều khoản riêng biệt ấy phải được UBTVQH phê chuẩn” (Điều 35)...
Về củng cố một bước chính quyền nhân dân: Cũng trong năm Kỷ Hợi này, Cuộc bầu cử HĐND các cấp là một cuộc vận động chính trị rộng lớn (87,5% tổng số cử tri đã tham gia bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh và 94,7% tổng số cử tri đã tham gia bầu cử đại biểu HĐND cấp xã). Tại 5.016 xã và 53 thị trấn ở miền Bắc đã bầu ra 121.430 đại biểu HĐND cấp xã; 26 tỉnh, Thủ đô Hà Nội và TP Hải Phòng đã bầu ra 1.905 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tiếp đó, HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp xã đã bầu ra Ủy ban hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Trong năm Kỷ Hợi này, bộ máy nhà nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã cơ bản hình thành 4 cấp rõ rệt. Kết quả của cuộc bầu cử HĐND các cấp và việc kiện toàn bộ máy Chính phủ, hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương đã được củng cố ngày càng thêm vững mạnh; cùng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài trí của Đảng và Bác, đó là nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà đi đến thắng lợi trọn vẹn cuối cùng.
__________
Các tư liệu trong bài này được lấy từ Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập I và Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960.