Quốc hội và kinh tế số

- Thứ Hai, 27/09/2021, 06:01 - Chia sẻ
Quốc hội và người đứng đầu Quốc hội trong thời gian ngắn gần đây thể hiện sự quan tâm rất lớn đến phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Ưu tiên của Quốc hội cho kinh tế số là xác đáng, bởi đây là một động lực tăng trưởng mới, về ngắn hạn góp phần giúp nền kinh tế chống đỡ, ứng phó và phục hồi giai đoạn hậu Covid. Về dài hạn, công nghệ số và kinh tế số là chìa khóa giải bài toán năng suất lao động, giúp Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa cơ hội trở thành một cường quốc bậc trung phát triển vào năm 2045.

Vậy tiếp cận chính sách như thế nào và xử lý ra sao các vấn đề pháp lý mà kinh tế số đặt ra để tối ưu hóa tiềm năng của động cơ tăng trưởng mới này?

Trước khi thảo luận cụ thể, có những điều cần làm rõ về tư duy và cách tiếp cận. Lâu nay, trước vấn đề mới, những người làm chính sách và giới truyền thông thường đặt câu hỏi: Khung pháp lý Việt Nam hiện nay như thế nào, còn thiếu cái gì, cần học gì từ kinh nghiệm quốc tế. Hệ quả là các hội thảo, thảo luận thường tập trung vào “hoàn thiện khung pháp lý” và đi sâu vào các điều khoản cụ thể ở luật, nghị định…

Trên thực tế, vấn đề càng lớn và càng phức tạp cần giải quyết bằng nhiều giải pháp chính sách khác nhau và pháp lý chỉ là một trong những công cụ chính sách đó. Điều này hàm ý, với một lĩnh vực mới, rộng về quy mô (không giới hạn trong một ngành đơn lẻ), phức tạp (liên quan nhiều đến yếu tố hợp tác quốc tế) như kinh tế số, sự quan tâm của Quốc hội không phải chỉ dừng lại ở hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp lý mà tiếp cận ở tầm chiến lược hơn: trước hết ở cấp độ tư duy chính sách quốc gia, sau đó mới là các vấn đề pháp lý cụ thể.

Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, kết quả cần đạt được không đơn giản là sửa luật, thêm luật như tư duy thông thường. Quốc hội, các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội sẽ phải đóng vai trò lớn hơn trong việc định hướng chính sách; và các chính sách đó sẽ thể hiện cả trong các nghị quyết mang tính “vạch ra hướng đi” bên cạnh các văn bản luật mới cần ban hành.

Điểm lưu ý tiếp theo là đổi mới tư duy để sẵn sàng cho tiếp cận chính sách với một vấn đề khác biệt hoàn toàn như công nghệ số và kinh tế số. So với môi trường thực (môi trường vật lý) mà hệ thống kinh tế - xã hội mà chúng ta đang dựa trên đó để vận hành, 2 đặc trưng nổi bật, khác biệt của công nghệ số là tốc độ giao dịch và tính xuyên biên giới.

Tốc độ gần như tức thì của giao dịch số vốn mang đến lợi thế lớn lao về mặt kinh tế (giảm chi phí giao dịch), nhưng về mặt điều tiết, quản lý từ phía Nhà nước - vốn có “độ trễ” rất lớn, sẽ càng bị bỏ lại với tốc độ tác động của kinh tế số, công nghệ số.

Thứ hai, internet là xuyên biên giới, do đó giao dịch, hoạt động trên môi trường số diễn ra xuyên quốc gia. Chủ quyền tài phán (thực thi pháp luật) thông thường, giới hạn trong biên giới quốc gia, sẽ bị “vô hiệu hoá” bởi các giao dịch xuyên biên giới (ở một quốc gia này vẫn thực hiện hoạt động, giao dịch với chủ thể ở quốc gia khác). Một ví dụ là tiền mật mã - vượt ra khỏi thẩm quyền phát hành tiền tệ quốc gia. Nếu lựa chọn cách dễ là “cấm”, “đóng cửa internet” thì bảo toàn được chủ quyền tài phán theo cách xưa nay vẫn vậy, nhưng lại đánh mất hoàn toàn cơ hội phát triển kinh tế số. Do đó, lựa chọn không thể khác là các quốc gia phải hợp tác với nhau tạo ra các khuôn khổ đa phương mới về pháp lý để điều tiết và thực thi các vấn đề mới phát sinh. 

Kinh tế số có sự khác biệt căn bản so với nền kinh tế cũ nên không thể dùng mô hình pháp lý của thế kỷ XX, vốn chỉ điều chỉnh cho môi trường thực và đóng kín trong biên giới. Vì vậy, tư duy chính sách của Quốc hội cần đi trước và chủ động bổ khuyết những yêu cầu mới về năng lực làm chính sách, năng lực lập pháp, năng lực hợp tác quốc tế. Đây là nền tảng khởi đầu quan trọng trước khi bàn đến sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý.

Nguyễn Quang Đồng- Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông