Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách mà Nhân dân ủy thác
Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có hơn một nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh (từ tháng 6.2006 đến tháng 7.2011); là đại biểu Quốc hội liên tục 5 khóa (từ Khóa XI, tháng 5.2002 đến nay).
Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Quốc hội qua những chặng đường đổi mới và phát triển, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Với những kết quả quan trọng Quốc hội đã đạt được trong các nhiệm kỳ gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Quốc hội nước ta đã không ngừng phát triển và trưởng thành, hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và có hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động, được cử tri và Nhân dân cả nước ngày càng tin tưởng”, “góp phần tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân do Đảng lãnh đạo, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân” và “làm sâu sắc hơn nhận thức về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo ra một hình ảnh về sự năng động, dân chủ của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta” trong mắt bạn bè quốc tế.
Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, hiểu rõ những yêu cầu đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Người đứng đầu Đảng ta đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao nhằm không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, bởi đây là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách mà Nhân dân ủy thác. Đồng thời, phải “phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội”, coi đây là yêu cầu quan trọng “tạo thêm sức mạnh và sự năng động, sáng tạo từ hệ thống chính trị của nước ta”.
Dấu ấn của những “lần đầu tiên”
Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhấn mạnh, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội là yêu cầu khách quan, là công việc tất yếu phải làm. Nhưng đổi mới không thể “vội vàng”, mà “phải có bước đi chắc chắn”; và “không thể chỉ nghĩ cho trước mắt mà còn nghĩ cho lâu dài, cho những nhiệm kỳ tiếp theo của Quốc hội”. Theo Tổng Bí thư, “phương pháp, phong cách mỗi người có thể khác nhau, nhưng đích đến là hiệu quả - hiệu quả chính trị, hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế. Và phải tập trung phát huy được dân chủ một cách thực chất, giảm bớt tính hình thức trong các hoạt động của Quốc hội”.
Và để triển khai các hoạt động của Quốc hội theo định hướng nêu trên, theo Tổng Bí thư, công tác lập pháp “phải được tiến hành một cách tích cực, quyết liệt theo hướng xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ hơn”. Số lượng các dự án luật được xem xét, thông qua nhiều, nhưng “chất lượng phải được bảo đảm, phải sát với thực tế cuộc sống”. Phải làm sao để “Quốc hội họp ngắn hơn nhưng xem xét, cho ý kiến và thông qua được nhiều luật với chất lượng cao hơn và nhanh đi vào cuộc sống”.
Giám sát “phải bảo đảm hiệu quả và đi vào thực chất hơn”. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn “phải chọn được những vấn đề đích đáng và chỉ đạo triển khai thực hiện đến nơi đến chốn, đem lại kết quả thiết thực”.
Đối với việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như bầu cử, nhân sự, ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm…, “để giảm bớt tính hình thức thì phải cung cấp đầy đủ thông tin, nâng cao chất lượng các buổi thảo luận”…
Thực tiễn cho thấy, trong hơn một nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã có rất nhiều đổi mới cả về tổ chức và hoạt động của Quốc hội với dấu ấn của những “lần đầu tiên”.
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Báo Đại biểu Nhân dân ngày 24.1.2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi đó đã “tổng kết” một số “lần đầu tiên” trong hoạt động của Quốc hội. Đó là “lần đầu tiên Quốc hội tổ chức chất vấn theo nhóm vấn đề, chú trọng tăng cường tính đối thoại giữa đại biểu Quốc hội và các bộ trưởng, trưởng ngành”. Và, “cũng lần đầu tiên, thể theo đề nghị của các đại biểu Quốc hội, Quốc hội ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn”. Trước đó, “lần đầu tiên, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”…
Liên quan đến khâu tổ chức, tiến hành, điều hành kỳ họp, ngay từ năm 2008, các nội dung này cũng đã có nhiều cải tiến, đổi mới, như phiên họp trù bị được bố trí cùng ngày khai mạc; thời gian kỳ họp được điều chỉnh rút ngắn hơn so với những kỳ họp trước đó; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được sắp xếp trình bày tại phiên khai mạc. Đặc biệt, với mong muốn có nhiều đại biểu Quốc hội được tham gia phát biểu trực tiếp trên hội trường và giữa các đại biểu Quốc hội là sự trao đi đổi lại, “năm qua (năm 2008 - PV), lần đầu tiên Quốc hội ta điều hành theo hướng giảm thời gian phát biểu của mỗi đại biểu Quốc hội xuống còn 7 phút; và sau mỗi phiên thảo luận, Chủ tọa điều hành đều có sơ kết, tổng kết, gom các ý kiến, đề nghị của đại biểu Quốc hội chốt thành các nhóm vấn đề làm cơ sở cho việc xây dựng nghị quyết cũng như việc triển khai khắc phục của các cơ quan hữu quan”…
“Luật pháp là tối thượng, nhưng thực tiễn lại là tiêu chuẩn của chân lý”
Đây là một trong những gợi mở mang tính định hướng chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.
Lý lẽ, như khẳng định của Tổng Bí thư, đó là bởi: Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự của dân, do dân và vì dân. Phải coi pháp luật là tối thượng; tất cả mọi người, mọi cơ quan, tổ chức phải chấp hành nghiêm luật pháp; chống mọi hành vi tùy tiện, coi thường pháp luật, xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật. Có như vậy, xã hội mới có trật tự, kỷ cương.
Nhưng mặt khác, lại phải thấy: Luật, pháp lệnh ra đời là do yêu cầu của thực tiễn, phản ánh thực tiễn, từ tổng kết thực tiễn mà khái quát lên xây dựng thành luật, pháp lệnh để quay trở lại phục vụ thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển. Một đạo luật, một pháp lệnh mà xa rời thực tiễn, không phù hợp với thực tiễn thì “làm hỏng” thực tiễn. Hơn nữa, thực tiễn lại luôn luôn vận động, vận động không ngừng, có lúc rất sôi động, nếu không bám sát thực tiễn, kịp thời sửa đổi những điều khoản luật đã bị thực tiễn vượt qua hoặc bổ sung những điều khoản mới do thực tiễn đặt ra thì luật, pháp lệnh sẽ trở nên lạc hậu, khô cứng, ngáng trở sự phát triển của thực tiễn.
“Đây là biện chứng của sự phát triển. Cho nên, nói “Luật pháp là tối thượng, nhưng thực tiễn lại là tiêu chuẩn của chân lý” là nói hai mặt của một vấn đề tưởng như mâu thuẫn mà thống nhất biện chứng với nhau” - Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Có thể thấy, trên bất kỳ cương vị nào, là Chủ tịch Quốc hội, hay sau này là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, đau đáu với vấn đề xây dựng cơ quan lập pháp thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân dân, thực sự dân chủ và đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và phát triển mạnh mẽ đất nước.
Những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và tư duy nhất quán của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa định hướng hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, góp phần tích cực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi mãi mãi. Nhưng chắc chắn di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có hệ thống các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung và đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói riêng, sẽ sống mãi với lịch sử dân tộc Việt Nam, với Quốc hội Việt Nam, được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc Đổi mới của đất nước cũng như trong sự nghiệp không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các mặt hoạt động của Quốc hội.
Tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung cao nhất, đó là thực hiện thành công việc xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời đã ấp ủ, phấn đấu hy sinh.