Dự án Luật Giá (sửa đổi)

Tôn trọng quy luật thị trường, quyền định đoạt của các chủ thể

- Thứ Ba, 20/09/2022, 06:19 - Chia sẻ

Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và Quỹ bình ổn giá là hai nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau tại dự án Luật Giá (sửa đổi). Đưa ra nguyên tắc thực hiện công tác quản lý giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chúng ta đang hướng tới xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nên nguyên tắc là phải tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền định đoạt về vấn đề giá cả của các tổ chức, cá nhân, chủ thể tham gia thị trường.

Chính phủ sẽ được điều chỉnh Danh mục hàng hóa Nhà nước định giá

Tại Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, do việc chuyển thẩm quyền quy định chi tiết Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cho Chính phủ thực hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau ngay trong khâu xây dựng chính sách. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tại Luật sẽ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá kèm theo thẩm quyền, hình thức định giá cụ thể. Tuy nhiên, trong trường hợp phát sinh phải điều chỉnh Danh mục này, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh lập đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Tôn trọng quy luật thị trường, quyền định đoạt của các chủ thể -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

“Việc giao Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh danh mục sẽ tạo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Để hạn chế việc phát sinh bổ sung hàng hóa, dịch vụ không cần thiết, tại dự án Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc việc điều chỉnh Danh mục phải trên cơ sở đánh giá sự cần thiết, tính phù hợp với 4 tiêu chí xác định và quy trình trình Chính phủ cụ thể, chặt chẽ", Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Nhưng có thể thấy, tại Luật Giá hiện hành quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định trong Luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc điều chỉnh. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giữ như hiện hành, vì giá là vấn đề tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến ổn định thị trường, nên cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Việc quy định ngay trong Luật về Danh mục này cũng sẽ hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung - cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân đang kinh doanh những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, việc quy định rõ Danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, để bảo đảm tính kịp thời, Luật đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc điều chỉnh Danh mục. Quy định hiện hành như vậy sẽ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, bảo đảm công khai, ổn định nhưng vẫn linh hoạt, đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chúng ta xây dựng một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong nguyên tắc này phải tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền định đoạt về vấn đề giá cả của các tổ chức, các cá nhân, các chủ thể tham gia thị trường. Nhà nước chỉ thực hiện quản lý nhà nước để bảo đảm cho đúng với quy luật cung cầu của thị trường, nếu can thiệp sẽ ảnh hưởng đến người dân và kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Hiến pháp, những việc như vậy sẽ phải điều chỉnh bằng luật, không thể tùy tiện bằng thông tư hay bằng nghị định.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, việc thay đổi phân công, phân cấp không thể tùy tiện, mà phải có nguyên tắc. "Phân cấp, phân quyền cũng không phải là anh nào làm tốt hơn thì giao cho anh đó. Đây chỉ là một trong các nguyên tắc. Trên thực tế, có những việc về nguyên tắc là Nhà nước, Trung ương phải làm, có những việc địa phương phải chịu trách nhiệm", do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải rà soát lại công tác đánh giá thực tiễn và nguyên tắc phân công, phân quyền.

Có giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Một nội dung quan trọng khác tại dự án Luật Giá (sửa đổi) là quy định về Quỹ bình ổn giá, trong đó có xăng dầu. Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu. Nguyên nhân là do, Quỹ Bình ổn xăng dầu là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ hiện tại là chưa phù hợp.

Một lý do khác là thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động của giá, từ đó đã giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống người dân. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang sử dụng mô hình Quỹ bình ổn như một công cụ để ổn định giá xăng dầu trong nước trong những tình huống biến động khó dự báo.

Các ý kiến cũng đề nghị, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, với cách thức điều hành linh hoạt hơn nữa. Trong tổ chức thực hiện cần tăng cường trách nhiệm quản lý, tính công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế. 

Nhưng chưa hoàn toàn yên tâm với giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, phải tổng kết kỹ tác dụng của Quỹ này trong các đợt tăng giá xăng dầu thời gian qua. Cần tổng kết kỹ về tổ chức, hoạt động, đánh giá tác động của quỹ trong các đợt tăng giá xăng dầu trước khi đề nghị để hay bỏ. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nhận thấy, Chính phủ đề xuất giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng chưa tiến hành tổng kết, đánh giá đầy đủ. Nên chăng trong Tờ trình phải nói rõ trong quá trình soạn thảo và sửa đổi này những ý kiến gì đang còn khác nhau và cách xử lý của Chính phủ như thế nào. Cần có phân tích, đánh giá chỗ này, vì đây là mặt hàng bình ổn, bây giờ nếu bỏ đi thì bình ổn bằng cách gì, phải có phương pháp để bình ổn.

Do các phương án được Chính phủ đề xuất liên quan đến những nội dung nêu trên chưa chắc chắn, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu, phải rà soát, đánh giá kỹ tác động của từng chính sách sửa đổi, bổ sung, bảo đảm hiệu quả, khả thi, không gây khó khăn, vướng mắc hoặc tạo kẽ hở, khoảng trống pháp luật trong quản lý giá. Như kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cần tiếp tục rà soát các chương, điều khoản trong dự thảo Luật để bảo đảm điều hành giá thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền quyết định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường.

Lê Bình