Tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ của cử tri, nhân dân vùng mỏ
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ĐBQH Khóa I vào ngày 6.1.1946 là sự kiện trọng đại, mở đầu thời đại huy hoàng mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi, khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là biểu tượng cao quý nhất của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước, thể hiện ý chí và khát vọng ngàn đời của nhân dân.
Tại Quảng Ninh, ngay từ cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6.1.1946, khi đó còn là tỉnh Quảng Yên và tỉnh Hải Ninh đến cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XV được tổ chức vào ngày 23.5.2021, các cử tri của tỉnh Quảng Ninh luôn luôn hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân tham gia bỏ phiếu với tỷ lệ cao. Những ngày diễn ra cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của quần chúng tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền.
Ngày 30.10.1963, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa II đã phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là Quảng Ninh. Đến nhiệm kỳ Quốc hội Khóa III (1964 - 1971), Đoàn ĐBQH tỉnh có 11 ĐBQH được bầu trên cơ sở tỉnh Quảng Ninh mới được sáp nhập. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ngày 25.4.1976, nhân dân cả nước tham gia Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung Khóa VI. Bắt đầu từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa IX (2022 - 2007), theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, Đoàn ĐBQH Quảng Ninh các Khóa IX, X có 6 đại biểu. Hiện tại, Đoàn ĐBQH tỉnh duy trì số lượng 8 thành viên.
Nhìn lại chặng đường đầy vẻ vang gần 80 năm lớn mạnh cùng Quốc hội Việt Nam; 60 năm đồng hành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của tỉnh Quảng Ninh, ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, các vị ĐBQH tỉnh luôn thể hiện phẩm chất của những người đã được tôi luyện trong thực tiễn, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ của giai cấp công nhân vùng mỏ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Đóng góp lớn vào sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của địa phương
60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh với bản lĩnh và ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực; nhất là giai đoạn sau 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Từ một tỉnh khó khăn, phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Trung ương, Quảng Ninh đã vươn mình trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc. Trong 7 năm liên tục (2016 - 2022) vừa qua, tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số. Diện mạo thành thị và nông thôn; khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực, vùng miền ngày càng được thu hẹp. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện qua từng năm…
Không chỉ đạt thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, Quảng Ninh cũng định hình hệ giá trị riêng có của tỉnh với tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.
Như Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký đã từng khẳng định: các giá trị “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc” là hệ giá trị hợp trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại; tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người. Trong đó, “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến.
Để có được một Quảng Ninh tươi đẹp như ngày hôm nay là kết tinh của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, kế thừa và phát triển của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc toàn tỉnh qua các thời kỳ; là kết quả của sự hy sinh, cống hiến không mệt mỏi của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ chiến sỹ LLVT, của công nhân lao động; của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức qua các giai đoạn… Trong đó, không thể không nhắc đến những đóng góp rất quan trọng của Đoàn ĐBQH tỉnh. Thông qua vị thế, vai trò cá nhân của mình, các vị ĐBQH tỉnh luôn tâm huyết, trí tuệ, dành nhiều tình cảm cho Quảng Ninh, thực hiện tròn trách nhiệm trước Quốc hội; góp phần vào việc đưa ra nhiều thể chế, quyết sách quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của tỉnh.