Nghị quyết cũng chỉ rõ: chính sách an sinh xã hội nhằm tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hệ thống chính sách an sinh xã hội bảo đảm đầy đủ 6 tính chất như Nghị quyết đã xác định như trên bao hàm 4 loại chính sách lớn: thị trường lao động; bảo hiểm xã hội; bảo trợ xã hội; và chính sách đối với người có công. Trong đó, chính sách thị trường lao động là bao trùm, là tầng thứ nhất, được đặt lên hàng đầu, vì nó có mối quan hệ đến toàn bộ dân số và nguồn lao động của cả nước.
Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động
Theo Chương III Bộ luật Lao động hiện hành, thị trường lao động là nơi diễn ra sự trao đổi giữa người sử dụng lao động với người lao động theo nguyên tắc thỏa thuận (tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực) về việc làm, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động cùng các điều kiện làm việc khác thông qua Hợp đồng lao động được giao kết.
“Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động” mà Nghị quyết đã xác định, từ đó sẽ hỗ trợ người lao động tiếp cận thị trường lao động, tìm kiếm được việc làm, tiến đến việc làm bền vững, có thu nhập ổn định, tự lo toan được toàn bộ hoặc một phần cuộc sống của mình, giảm bớt được các khoản trợ cấp của Nhà nước và xã hội. Đây là nhóm chính sách, là tầng nấc quan trọng bậc nhất... Song, có thể nói, thị trường lao động nước ta chỉ mới được xác lập từ khi bước vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trải qua gần 40 năm, thị trường lao động đã có những tiến bộ nhất định cả về quy mô và chất lượng, đang từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cơ cấu lao động trên thị trường không ngừng được đổi mới do kết quả to lớn của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế. Cung lao động ngày càng đáp ứng khá hơn đối với cầu lao động, nhất là lao động có chất lượng cao, và ngày càng phù hợp với những ngành nghề tạo ra sản phẩm có giá trị cao, từng bước tạo ra nhiều việc làm bền vững cho người lao động.
Các nguồn cung lao động được chuẩn bị tốt hơn: giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện nhiều yêu cầu về chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa..., gắn bó chặt chẽ hơn với nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo liên thông giữa các cấp trình độ, nâng cao chất lượng đào tạo. Từng bước cung lao động ra thị trường những lao động có chuyên môn, kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, từng bước tiếp cận kỹ năng nghề khu vực và quốc tế.
Đổi mới hoàn toàn phương thức tuyển dụng lao động. Nếu trong cơ chế kế hoạch hóa chỉ huy tuyển dụng lao động theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, thì nay tuyển dụng theo nhu cầu lao động thông qua thị trường lao động. Ở cơ sở - doanh nghiệp là quan hệ hai bên (người sử dụng lao động và người lao động) giao kết hợp đồng lao động trên cơ sở đối thoại, thương lượng và đi đến thỏa thuận. Ở tầm vĩ mô là quan hệ ba bên: Nhà nước - người sử dụng lao động - người lao động, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hoạt động của thị trường lao động trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từng bước phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lao động khu vực phi chính thức (không có quan hệ lao động) chuyển dần sang làm việc ở khu vực chính thức (có quan hệ lao động) là những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị, chất lượng cao.
Tính toán tổng hợp theo thông tin của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố ngày 24.1.2024 và các thông tin trước đó trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục cho thấy rõ sự chuyển dịch tích cực về lao động giữa 3 khu vực. Khu vực nông, lâm, thủy sản từ 48,7% tổng số lao động làm việc năm 2010, giảm xuống 27,6% năm 2022 và còn 26,9% vào cuối năm 2023. Cũng với 3 mốc thời gian trên, khu vực công nghiệp, xây dựng lần lượt tăng từ 21,7% lên 33,3% và 33,5%. Khu vực dịch vụ tăng từ 29,6% lên 39,1% và 39,6%... Trong Nghị quyết 42-NQ/TW, Trung ương nêu rõ: “Việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị thấp”...
Hệ thống thông tin thị trường lao động được hình thành với nhiều nội dung phong phú, trong đó có hệ thống dự báo cung - cầu lao động, dịch vụ tìm kiếm, chuyển đổi việc làm, kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cả trong nước và quốc tế. Hệ thống thông tin này cũng góp phần đáng kể làm cho thị trường lao động ngày một sôi động hơn...
Dù đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, song thị trường lao động nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhận định tổng quát nêu trong Nghị quyết 42-NQ/TW là: “Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển biến chưa rõ nét”.
Có thể thấy rõ ở một số điểm sau, ở tầm vĩ mô, chính sách thị trường lao động chưa thật hoàn thiện, chưa đủ sức mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nguồn lực lớn nhất là sức lao động (chưa tạo được điều kiện đầy đủ để người lao động tự do hành nghề, tự do dịch chuyển, tự do lựa chọn việc làm trên thị trường lao động theo khả năng của mỗi người...). Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các phân khúc thị trường lao động (thị trường lao động vùng, thị trường lao động khu vực, thị trường lao động theo ngành nghề...). Thị trường lao động chưa gắn kết được với các dạng kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...). Một số lao động đã qua đào tạo nhưng chất lượng không cao mà một trong những nguyên nhân là đào tạo theo một số tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia còn thấp; lao động kỹ thuật trình độ cao vẫn còn thiếu nhiều. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa hoàn chỉnh, chưa gắn kết chặt chẽ với hệ thống chính sách an sinh xã hội, chưa thích ứng, phù hợp với quá trình già hóa dân số. Nhiều lao động có thu nhập tương đối cao và ổn định nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Năng lực dự báo cung - cầu lao động trên thị trường còn hạn chế, nguồn tài liệu về biến đổi của thị trường chưa được cập nhật có hệ thống đầy đủ; kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động ngoài nước mới chỉ là bước khởi động...
Từ những kết quả đã đạt được và khiếm khuyết, tồn tại đã chỉ ra cho thấy, cần khẩn trương, tích cực đổi mới, phát triển thị trường lao động theo đúng tinh thần Nghị quyết 42-NQ/TW.
Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường lao động
Nghị quyết 42-NQ/TW đã xác định một chỉnh thể gồm 8 nhiệm vụ quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường lao động.
Một là, đẩy mạnh chính sách dân số và phát triển theo hướng có quy mô, cơ cấu, phân bố hợp lý, cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Hai là, tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức giáo dục, đào tạo.
Ba là, tăng cường định hướng nghề nghiệp cho thanh niên ngay từ bậc học phổ thông; đẩy mạnh phân luồng, tăng số học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp. Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Năm là, phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sáu là, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Bảy là, tạo việc làm cho người lao động phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững nhằm giải phóng sức sản xuất, nâng cao tay nghề, thu nhập và bảo đảm an toàn tại nơi làm việc cho người lao động. Tám là, mở rộng tín dụng chính sách xã hội nhằm hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Thực thi các nhiệm vụ trên, từ thực tiễn, thiết nghĩ, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật thống nhất, đồng bộ về phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, sức lao động để phát huy cao độ khả năng của đội ngũ lao động cho sản xuất kinh doanh, cho tăng trưởng kinh tế. Phải hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề Việt Nam tương đồng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực và quốc tế.
Nhà nước thiết lập hành lang pháp lý của thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tiếp cận với chuẩn mực hành lang pháp lý quốc tế về thị trường lao động; hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường lao động phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng và kết nối với thị trường lao động các nước trong khu vực và thế giới.
Thực hiện cung lao động ra thị trường với số lượng vượt trội lao động có chất lượng cao trên cơ sở đổi mới giáo dục, đào tạo nghề nghiệp theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề đã được “nâng cấp”. Phát triển giáo dục, đào tạo nghề nghiệp gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Liên kết rộng rãi, chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (nghĩa là doanh nghiệp trực tiếp tham gia đắc lực vào quá trình giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho người lao động). Trong giáo dục nghề nghiệp còn phải chú ý đầy đủ đến giáo dục “kỹ năng mềm”, đó là kỹ năng ứng xử với đồng nghiệp, với lãnh đạo, quản lý, kỹ năng làm việc theo nhóm trong môi trường có lao động nhiều nước cùng tham gia; đào tạo công nghệ thông tin, ngoại ngữ...
Đầu tư thỏa đáng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thị trường lao động, đó là hệ thống dự báo cung - cầu lao động, lưu giữ và phát huy cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, thông tin về thị trường, dịch vụ tìm kiếm, chuyển đổi việc làm... Hệ thống này phải được phát triển ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và được chuyển đổi số để kết nối, liên thông trong nước và quốc tế.
Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với một số tổ chức quốc tế có liên quan đến công việc của thị trường lao động: Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc (UNFPA), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB), các tổ chức thị trường lao động các nước ASEAN... để nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm tổ chức vận hành và quản lý thị trường lao động, và để được hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ các nguồn tài chính...
Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường lao động theo Nghị quyết 42-NQ/TW chắc chắn sẽ từng bước thu hẹp tới mức hợp lý quy mô lao động khu vực phi chính thức; cơ cấu lao động theo các khu vực sẽ ngày càng hợp lý hơn, tiếp tục góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả; tạo ra nhiều chỗ làm việc, có cơ hội lớn toàn dụng các nguồn lao động cả trong và ngoài độ tuổi quy định, thích ứng với tốc độ già hóa dân số đang diễn ra.