Trong phiên chất vấn sáng và chiều nay đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã có một số lượng kỷ lục các đại biểu đăng ký chất vấn, lên đến 122 đại biểu. Đã có 32 đại biểu tham gia chất vấn, gồm 20 đại biểu đặt câu hỏi và 12 đại biểu tham gia tranh luận, vẫn còn 92 đại biểu đăng ký chất vấn và 3 đại biểu đăng ký tranh luận.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng và trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đều đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn và trọng tâm. Một số đại biểu tích cực tranh luận, làm rõ hơn vấn đề chất vấn. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị “tư lệnh” ngành khoa học và công nghệ từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV (được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Mười), nhưng đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Là một nhà khoa học và từng lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của nước ta, Bộ trưởng cơ bản nắm vững thực trạng, lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, khá thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý mỗi vấn đề trong thời gian tới.
Cùng tham gia trả lời, giải trình rõ thêm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Qua Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm, ngành khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được triển khai tích cực, đã hoàn thành 8/11 mục tiêu quan trọng; đã ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đây là bước đột phá có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hành lang pháp lý về phát triển khoa học và công nghệ ngày càng được hoàn thiện với việc ban hành Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ... theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, đối tượng ưu tiên hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ được cải thiện theo hướng tích cực. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu hình thành và phát triển; hiện nay đã có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; khoa học cơ bản đạt nhiều thành tựu; khoa học công nghệ ứng dụng có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ phát triển mạnh. Đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó có nhiều nhà khoa học có uy tín được thế giới công nhận.
Đã chú trọng, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đẩy nhanh việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việt Nam đã làm chủ, áp dụng thành công nhiều công nghệ sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đem lại hiệu quả to lớn. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đã tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhất là các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ cao còn chậm được ban hành. Quy định hướng dẫn phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học công nghệ còn phức tạp và thiếu ổn định, còn nhiều điểm nghẽn, vướng mắc trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
Thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, còn có ít tổ chức trung gian uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung cầu; các viện và trường công lập chưa chú trọng thực hiện quy định về quản lý, khai thác tài sản trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong giai đoạn hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo; năng lực kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Phát triển các loại hình khu công nghệ cao chưa đạt như kỳ vọng. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử chưa bền vững. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp mới chỉ tập trung tại một số vùng sản phẩm có thế mạnh và một số doanh nghiệp lớn; 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập, nhưng triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn chậm, chưa hoạt động đầy đủ.
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhưng hiện nay vẫn hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Chức năng cho vay, bảo lãnh vốn vay của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia không phù hợp với mô hình đơn vị sự nghiệp công. Quy định về trích lập, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn vướng mắc, bất cập, hiệu quả còn thấp.
Tổng đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự đi vào cuộc sống. Tỷ trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ giữa Trung ương và địa phương, giữa đầu tư phát triển và chi sự nghiệp, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn chưa hợp lý.
Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy có tăng về số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành; cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cho hoạt động khoa học và công nghệ còn thiếu, chưa đồng bộ. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp còn tồn đọng lớn.
Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau đây:
Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản về hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy định về giao nhiệm vụ, vấn đề đặt hàng hoặc đấu thầu, đặc biệt là thủ tục thanh, quyết toán các khoản chi về khoa học và công nghệ. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đổi mới tư duy và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức. Có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ cao. Có cơ chế phù hợp, khuyến khích nhà khoa học tại viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ dành thời gian nghiên cứu, làm việc tại doanh nghiệp. Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt được trình độ quốc tế.
Chú trọng hơn nữa việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới; công bố công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra tại Việt Nam từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực để giải quyết kịp thời số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp còn tồn đọng. Triển khai xây dựng Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất và kinh doanh.
Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ bảo đảm 2% chi ngân sách nhà nước trở lên; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài. Hoàn thiện cơ chế đối tác công tư, hành lang pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư cộng đồng và các nền tảng công nghệ số huy động vốn đầu tư nhằm huy động thêm nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu cho phép thử nghiệm có kiểm soát chính sách mới, thúc đẩy ứng dụng sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Có giải pháp đồng bộ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Hỗ trợ đổi mới, làm chủ, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; khai thác sáng chế quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về khoa học và công nghệ.
Rà soát về sự cần thiết, hiệu quả và vướng mắc, bất cập trong đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục hoàn thiện quy định về các khu công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp thúc đẩy phát triển các loại hình khu chức năng.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Trong đó, nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan như: Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị định 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ... Giải quyết hiệu quả hơn các vướng mắc để giải phóng tối đa nguồn lực từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ khoa học và công nghệ, nhất là dịch vụ tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Thúc đẩy hoạt động truyền thông về vai trò của khoa học và công nghệ; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế.
*Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt