Đẩy mạnh giám sát để pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống
- Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV vừa bế mạc, thực hiện thành công toàn bộ chương trình đề ra. Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp, từ việc đánh giá những kết quả nổi bật của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra một số thông điệp quan trọng. Ông có suy nghĩ gì về những thông điệp này?
- Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra 3 thông điệp lớn gắn với 3 chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội là về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tôi đặc biệt chú ý thông điệp của Chủ tịch Quốc hội về việc để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này trong quý III.2023, đồng thời sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay. Nội dung này cũng sẽ trở thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đã nêu rất rõ ràng, cụ thể một số yêu cầu quan trọng đối với quá trình triển khai thực hiện pháp luật thời gian tới. Đây vừa là yêu cầu vừa là sự hối thúc với các cơ quan thực thi pháp luật. Cử tri, người dân cũng sẽ rất kỳ vọng với sự chuyển động trong thực tiễn, qua đó bảo đảm pháp luật sẽ được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
- Với những nhiệm vụ và hành động cụ thể được Chủ tịch Quốc hội chỉ ra để thực hiện yêu cầu yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, ông kỳ vọng thế nào về những thay đổi trong thời gian tới?
- Công tác lập pháp là một nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội. Nhưng cùng với công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế thì việc thực thi, đưa các đạo luật vào cuộc sống có vai trò đặc biệt quan trọng. Từ thông điệp của Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu, thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh giám sát việc triển khai thi hành, để pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đồng thời, giám sát để công tác ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành bám sát tinh thần của luật, pháp lệnh, không được cài cắm lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực.
Thực tế, vừa qua, đã có những ý kiến đặt ra về tình khi ngành nào xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì thường đứng trên lợi ích quản lý của ngành đó. Như vậy, thực hiện yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội về việc kiểm soát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật sẽ bảo đảm "pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả".
Tôn trọng các quy luật của thị trường
- Ông đánh giá như thế nào về các dự luật được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội lần này?
- Điểm nổi bật đầu tiên là tại các luật được thông qua hay dự án luật được cho ý kiến đều thể hiện quan điểm tiếp cận thị trường, tôn trọng các quy luật của thị trường. Đây là cách tiếp cận rất đúng đắn. Điểm nổi bật thứ hai là gắn được với thực tiễn, những điểm đang vướng mắc, khó khăn đều được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội để cho ý kiến, đánh giá kỹ lưỡng. Ví dụ, về đất đai thì những điểm nghẽn như tài chính đất đai, định giá đất, thu hồi, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng… đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ, rất sâu, nhiều ý kiến đa chiều. Điểm nổi bật thứ ba là yếu tố pháp quyền và tính kỹ trị được nêu cao từ những báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, đến các phát biểu của đại biểu Quốc hội về từng dự án luật. Ba điểm sáng này rất đáng ghi nhận. Với các dự án Luật mới trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu thì tới đây, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện phải kiên trì giữ các nguyên tắc này, lấy lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Những quyết sách rất quan trọng đã được Quốc hội thông qua, nhưng quan trọng hơn nữa là tới đây, các quyết sách này sẽ được thực thi như thế nào bởi xét đến cùng, Quốc hội cũng không thể làm hộ, làm thay cơ quan thực thi chính sách, pháp luật, thưa ông?
- Quốc hội đã có những quyết đáp rất đúng và trúng, nhanh chóng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Vấn đề hiện nay là ngay sau Kỳ họp phải khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, phải khắc phục cho được tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời, nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”. Khâu thực thi có vai trò quan trọng, quyết định hiệu lực, hiệu quả của chính sách, pháp luật. Do đó, tôi quan tâm đến công tác tổ chức thực thi, sự vận hành của cả bộ máy để rút ngắn được khoảng cách, giảm bớt độ trễ của chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Có như vậy, những quyết sách của Quốc hội, các nguồn lực đã được Quốc hội phân bổ tại kỳ họp này mới được sử dụng hiệu quả. Trong phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đã đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu này.
Thời gian tới, theo tôi, cần xây dựng các tiêu chí để hình thành bộ khung tiêu chí, công cụ để giám sát hiệu quả việc thực thi chính sách, pháp luật, thậm chí, cần xây dựng bộ tiêu chí giám sát rõ ràng cho từng lĩnh vực. Cùng với đó, cần công khai, minh bạch để toàn dân giám sát, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, của người dân để bảo đảm việc thực thi chính sách, pháp luật không bị chậm trễ. Muốn vậy, phải quan tâm đến cơ chế cung cấp thông tin.
- Xin cảm ơn ông!