Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện:

Thận trọng rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng

- Thứ Sáu, 24/06/2022, 05:44 - Chia sẻ

Quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Các đại biểu Quốc hội đề nghị phải cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, nhằm bảo đảm tính bảo mật, minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện. Băng tần được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh là băng tần bí mật nên cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện cũng như các cơ quan quản lý về tài chính sẽ khó tiếp cận để kiểm tra, giám sát khi sử dụng băng tần, kênh tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế.

Tránh gây lãng phí

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Ba, với kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý hiệu quả, góp phần thực hiện xây dựng hạ tầng số phù hợp với tiến trình thực hiện cuộc Cách mạng 4.0 và chuyển đổi số quốc gia.

Thận trọng rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng -0
Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ảnh: Quang Khánh

Qua rà soát, có thể thấy, các đại biểu cơ bản đánh giá cao những nỗ lực của ban soạn thảo trong việc bổ sung các quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các luật khác; cụ thể hóa tối đa trong dự thảo Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn.

Theo ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng), dự thảo Luật đề nghị bổ sung cụm từ “tần số vô tuyến điện” vào Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính là chưa hợp lý. Bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được sửa đổi, bổ sung năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 đã liệt kê một số lĩnh vực được sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, trong đó không có lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Mặt khác, nếu bổ sung xử phạt vi phạm hành chính đối với tần số vô tuyến điện, thì đồng nghĩa với việc bổ sung quy định: cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cá nhân, tổ chức được giao quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Báo cáo giải trình tuy có nêu những lý do cần thiết phải có quy định này, nhưng đại biểu Lã Thanh Tân chỉ ra rằng: “nếu phân cấp về các Sở đối với phát hiện vi phạm hành chính thì các sở phải đầu tư hệ thống thiết bị kiểm soát tần số; tương ứng 63 sở ở các tỉnh, thành phố phải có 63 hệ thống thiết bị. Việc đầu tư này là hết sức tốn kém và lãng phí”.

Dẫn chứng, hiện nay Sở Thông tin và Truyền thông ở các tỉnh, thành phố chỉ có vai trò phối hợp tham gia xử lý vi phạm hành chính. Còn Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định mới thực hiện phát hiện vi phạm, đại biểu TP. Hải Phòng đề nghị, nên cân nhắc kỹ lưỡng, tránh phải đầu tư thêm hệ thống thiết bị dàn trải.

Bảo đảm tính bảo mật và cạnh tranh lành mạnh

Khoản 4, Điều 45 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện quy định: “Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp, không làm ảnh hưởng đến bảo đảm quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông". Quy định này còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Có quan điểm cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ và trước mắt chưa nên quy định. Vì các lý do: sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước.

Hơn nữa, việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là chưa bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện. Băng tần được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh là băng tần bí mật nên cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện cũng như các cơ quan quản lý về tài chính sẽ khó tiếp cận để kiểm tra, giám sát khi sử dụng băng tần, kênh tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế.

Ở góc độ khác, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, theo quy định hiện hành, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phân bổ tần số vô tuyến điện quốc gia, phê duyệt phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ. Trong trường hợp cân nhắc mục tiêu mạng lưỡng dụng, thì chắc chắn, ngay từ khâu thiết kế mạng, quy trình vận hành phải tính toán sao cho bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh; đồng thời vẫn có thể cung cấp dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đại biểu Đào Chí Nghĩa ủng hộ quy định tại Khoản 4, Điều 45, song đề nghị dự thảo Luật nên nghiên cứu, bổ sung cụ thể thế nào là trường hợp đặc biệt hoặc bổ sung một điều khoản giao Thủ tướng quy định các trường hợp đặc biệt được phép đề nghị Thủ tướng quyết định sử dụng tần số vô tuyến điện với mục đích sử dụng là gì, nhằm bảo đảm tính minh bạch và phù hợp.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật đã quy định rất rõ việc sử dụng tần số phân bổ cho phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế - xã hội phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh (tức là tính bảo mật) và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông. Đồng thời quy định, lượng tần số sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội thì phải thực hiện nghĩa vụ phí, lệ phí và tiền cấp quyền sử dụng tần số.

Kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thận trọng rà soát, nghiên cứu kỹ chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện, phân bổ mục đích quốc phòng, an ninh được kết hợp cho mục đích phát triển kinh tế. Qua đó, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.

Anh Thảo
#