Tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ, hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người

- Thứ Bảy, 08/06/2024, 20:15 - Chia sẻ

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cụ thể cho hoạt động bảo vệ, hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Bến Tre, Quảng Trị cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người với các lý do đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Làm rõ các quy định để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện -0
ĐBQH Lê Quang Đạo (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung

Theo ĐBQH Lê Quang Đạo (Phú Yên), sau 12 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người (2011), mặc dù đã có nhiều kết quả nhất định nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Những quy định cũ chưa đồng bộ, chưa thống nhất với Bộ Luật Hình sự (2015), Bộ Luật Tố tụng hình sự (2017); chưa hoàn toàn tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực mua bán người. Do đó, rất cần thiết sửa đổi ban hành Luật Phòng, chống mua bán người. 

Góp ý cụ thể, tại Điều 5 chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, đại biểu Lê Quang Đạo cho rằng, việc bảo vệ, hỗ trợ cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người là chính sách rất quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người.

Nội dung này cần phải được nghiên cứu, bởi trong dự thảo Luật mới chỉ có quy định bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân tại các Điều 6, 19, 23, 33, 34, 35, 36 và Điều 14 chỉ có quy định bảo vệ cá nhân.

"Các điều này chưa quy định các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp cụ thể như thế nào". Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định trong dự thảo Luật với pháp luật hiện hành để bảo đảm sự tập trung, tạo cơ sở pháp lý cụ thể cho hoạt động bảo vệ, hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người.

Về công tác quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại Điều 10 dự thảo Luật đang được quy định mang tính liệt kê. Cho rằng, quy định như vậy chưa bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, không bảo đảm sức sống lâu dài của luật, đại biểu Lê Quang Đạo đề xuất, quy định lại khoản này theo hướng ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết các danh mục ngành nghề kinh doanh lợi dụng mua bán người. Trên cơ sở đó quy định rõ trách nhiệm, cơ chế quản lý, cơ chế kiểm tra, thanh tra với các loại hình này, đặc biệt là loại hình dễ lợi dụng để mua bán người.

Đại biểu Lê Quang Đạo cũng đề nghị nghiên cứu thêm về nội dung tố giác, tin báo, kiến nghị và khởi tố, tố cáo hành vi vi phạm tại Điều 21 và Khoản 1 Điều 26.

Hiện nay, Điều 21 đang quy định cá nhân có quyền và nghĩa vụ tố giác, tin báo và tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này với cơ quan đồn biên phòng, UBND xã, phường thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã); tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người hoặc bất kỳ cơ quan tổ chức nào.

Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung cụm từ “cảnh sát biển Việt Nam” vào sau cụm từ “đồn biên phòng” tại khoản 1 Điều 21 để bảo đảm thống nhất, chặt chẽ. 

Làm rõ các quy định để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện -0
ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) tham gia góp ý. Ảnh: Hạnh Nhung

Cơ bản đồng tình với các ý kiến trên, ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) bày tỏ rất đồng tình với nguyên tắc lấy nạn nhân là trung tâm, xem công tác phòng ngừa là chính trong phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần bổ sung thêm trách nhiệm của tổ chức, cơ quan trong thực hiện phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của tổ chức, đơn vị tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán người; tích cực hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Dẫn báo cáo tổng kết thi hành Luật của Chính phủ cho thấy, 90% nạn nhân của buôn bán người là phụ nữ và trẻ em với nhiều mục đích khác nhau, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị, bổ sung các quy định về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nhất là các thông tin về quyền con người, quyền công dân, chính sách pháp luật về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ để người dân nắm, hiểu và thực hiện tốt trong công tác phòng ngừa.

“Điều 7 dự thảo Luật cũng cần bổ sung một khoản quy định về tổng đài, đường dây nóng để tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân trong suốt quá trình xác định là nạn nhân của mua bán người”, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị. 

Hạnh Nhung
#