Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024

Tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng tăng trưởng

- Thứ Ba, 17/10/2023, 07:06 - Chia sẻ

Dự báo những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, do đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, điểm nghẽn trước mắt, nhưng đồng thời vẫn phải hướng đến các mục tiêu chiến lược, lâu dài, chú trọng tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng tăng trưởng.

Cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, trong năm qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, trong nước đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài và bất cập, hạn chế nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, vượt qua nhiều thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tích cực hơn; bội chi, nợ công trong giới hạn cho phép; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả nổi bật, uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao...

Tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng tăng trưởng -2
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý còn nhiều vấn đề phải có giải pháp tháo gỡ khi dự kiến có 5/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt mục tiêu đề ra, trong đó, đáng chú ý là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng kinh tế đều dự kiến không đạt mục tiêu; tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế suy giảm, kể cả 3 trụ cột chính là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều điểm nghẽn cũng chưa được tháo gỡ hiệu quả như: chậm lập, triển khai các quy hoạch; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu; xử lý các dự án đầu tư kém hiệu quả, ngân hàng yếu kém còn chậm; thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cần quan tâm đến việc thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết số 27-NQ/TW). Trong đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc cải cách tiền lương phải đi liền với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. “Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm và gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương. Vị trí việc làm của cán bộ, công chức do vậy cũng phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại. Những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh cũng phải có biện pháp xử lý, thậm chí, người vi phạm, yếu năng lực cần đưa ra khỏi bộ máy. Chúng ta phải làm cả hai mặt chứ không phải chỉ cải cách tiền lương”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng tăng trưởng -1
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan tâm về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, trong thực hiện cải cách tiền lương tới đây phải bảo đảm tiền lương của cán bộ cơ sở trong các ngành, lĩnh vực có sự tương đồng và phù hợp với trách nhiệm, nhiệm vụ của họ; tránh tình trạng nhiệm vụ vẫn phải thực hiện như nhau nhưng có nơi thu nhập lại cao hơn, có nơi thu nhập lại thấp hơn. 

Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen

Trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, Tờ trình của Chính phủ cho rằng, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô.

Nhất trí với nhận định này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian tới cần phấn đấu quyết liệt để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu của năm 2023 và hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024, góp phần thực hiện cho cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Tiếp thu ý kiến tại Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII, Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn, những vấn đề cấp bách trước mắt mà Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV hay trong các kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị đã chỉ rõ.

Tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng tăng trưởng -0
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời với việc giải quyết các vấn đề cấp bách, điểm nghẽn trước mắt, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu vẫn phải hướng đến các mục tiêu chiến lược, lâu dài như: chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế… “Trong giai đoạn kinh tế hiện nay, chúng ta cần tập trung củng cố, hoàn thiện thể chế, các nền tảng tăng trưởng để sau khi bắt đáy sẽ lên được sớm, đừng để tăng trưởng theo mô hình chữ U. Tăng trưởng phải chuyển sang mô hình chữ V. Muốn đẩy lên được sớm thì giai đoạn này phải chuẩn bị nền tảng để đẩy lên được”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Đánh giá vệc Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng vừa qua là một nét rất mới, một tư duy rất mới của nhiệm kỳ này, sau khi có nghị quyết vùng, có quy hoạch vùng thì phải có Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, cần sớm triển khai một cách thực chất, hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với tăng cường kiểm tra, thanh tra.

Liên quan đến công tác quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số việc cần sớm khắc phục. Cụ thể là, tiếp tục đẩy mạnh, đẩy nhanh quá trình phê duyệt quy hoạch tỉnh, sớm ban hành công khai và minh bạch Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; khẩn trương hoàn thiện để sớm ban hành được Quy hoạch tổng thể không gian biển quốc gia… Đối với kế hoạch sử dụng đất phải có giải pháp để rà soát, xem xét điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, nhất là đất cho khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2023, 2024 một cách toàn diện, tạo đà cho 5 năm. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án. Kiên quyết loại bỏ dự án không cần thiết, không đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ lạm phát, có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng dầu. Khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Có giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, quan tâm đến y tế, văn hóa, giáo dục; đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng; phòng, chống tội phạm, tham nhũng; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…

Lê Bình
#