Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội:

Tăng cường kỷ luật, đôn đốc triển khai thực hiện

- Thứ Năm, 12/10/2023, 20:08 - Chia sẻ

Nghị quyết 43/2022/QH5 của Quốc hội đã được Quốc hội ban hành hết sức kịp thời, tác động tích cực đến kết quả phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách tại Nghị quyết còn chậm đã khiến Nghị quyết chưa phát huy tối đa hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, tại phiên họp chiều 12.10, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải tiếp tục đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ triển khai, đi đôi với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực hiện. 

Tổ chức thực hiện chưa “đồng tốc” với ban hành chính sách

Nhìn lại Nghị quyết 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43) ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Nghị quyết rất kịp thời và đúng đắn. Đây là Nghị quyết được xây dựng kỳ công, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, tổ chức nhiều tọa đàm, diễn đàn kinh tế - xã hội để thiết kế chính sách. Sau đó trình trước Quốc hội đạt được sự thống nhất, đồng thuận cao, không có ý kiến trái chiều.

Dù có một số nội dung không thực hiện được, hoặc chưa được thực hiện, nhưng về tổng thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, “Nghị quyết số 43 đã bổ sung nguồn vốn lớn cho nền kinh tế, giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay khi nước ta kiểm soát được đại dịch”.

Từ phản ánh của các doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết thêm, Nghị quyết 43 có ý nghĩa rất quan trọng, có tác động tích cực đối với tình hình kinh tế. Những kết quả phục hồi tích cực trong năm 2022 và năm 2023 có đóng góp rất quan trọng từ Nghị quyết số 43. 

Tuy nhiên, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra, quá trình thực hiện chính sách chưa “đồng tốc” với việc ban hành chính sách. Chương trình hỗ trợ, phục hồi thì tính chất thời điểm là rất quan trọng, đặc biệt là liên quan đến chính sách an sinh xã hội, nhưng việc thực hiện còn chậm. Đơn cử như, chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người lao động quay trở lại thành phố hay chương trình Sóng và máy tính cho em... đều chưa phát huy được hiệu quả tức thời trong thời điểm quan trọng nhất. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, tại Khoản 2, Điều 4, Nghị quyết số 43 về việc khai thác nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình đã quy định: “xây dựng phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện Chương trình”. Tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 triển khai thực hiện Kết luận số 19 – KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã giao Chính phủ nghiên cứu, rà soát để đề xuất, sửa đổi, bổ sung đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm tạo nguồn cho các chương trình thuộc Nghị quyết số 43. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hồ sơ dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để có thể xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật theo quy định, dẫn đến chưa thực hiện một cách toàn diện, đầy đủ các biện pháp theo quy định tại Nghị quyết số 43. 

Hay tại Khoản 8, Điều 6, Nghị quyết số 43 Quốc hội giao Chính phủ: “nghiên cứu phương án cho phép doanh nghiệp được trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng đối với chi phí tạo tài sản cố định và chi phí lao động; phương án tăng thuế đối với các giao dịch chứng khoán, bất động sản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, Chính phủ cũng chưa triển khai thực hiện được.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, nhiệm vụ trên theo Nghị quyết 43; làm rõ kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp để thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung của Nghị quyết.

Thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đặt ra

Đánh giá việc Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai rất tốt các chính sách liên quan tại Nghị quyết số 43, đưa chính sách vào cuộc sống nhanh, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn băn khoăn trước đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh nguồn lực thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng này. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu kéo dài 1 năm nữa, thì Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cần dự kiến các chính sách tín dụng khác sẽ triển khai được thêm bao lâu? Cụ thể như: chính sách cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; vốn vay cho học sinh, sinh viên, vốn vay cho giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay cá nhân thuê, mua nhà ở xã hội; cho vay xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách nhà ở; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 5 chính sách này nếu gia hạn thêm 1 năm, thì đến hết năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiêu được bao nhiêu tiền? Và phần tiêu không hết mới dồn cho Chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm? Hoặc có thể kết thúc chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2023 và dồn nguồn vốn sang chương trình cho vay giải quyết việc làm? "Ngân hàng Chính sách xã hội phải đánh giá rất cụ thể, trình Quốc hội xem xét, quyết định", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Đối với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, cho biết vừa làm việc với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó, tỉnh Hậu Giang đang triển khai chính sách này rất tốt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách đến cuối năm, sau đó sẽ có đánh giá thêm.

Với việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, về cơ bản phải kéo dài, nhưng cần thúc đẩy việc giải ngân. Trước mắt nên cân nhắc đến hết năm 2024. Nếu còn nguồn vốn, Quốc hội mới xem xét có gia hạn, kéo dài tiếp hay không. Tinh thần là nếu kéo dài thêm một năm thì phải vừa tăng cường kỷ luật, vừa đẩy mạnh đôn đốc, đốc thúc triển khai thực hiện.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Nghị quyết số 43 được ban hành tại Kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã giúp cho công tác phòng, chống dịch Covid – 19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tốt, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, Nhân dân, các doanh nghiệp đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, vẫn còn một số nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết hết thời gian thực hiện vào ngày 31.12.2023 không đạt hoặc đạt hiệu quả chưa cao. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về kết quả, tác động của các cơ chế, chính sách đã thực hiện; khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, cần báo cáo rõ việc chưa triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, bao gồm cả nguyên nhân chậm ban hành các văn bản hướng dẫn dẫn đến nhiều cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa thực hiện được hoặc thực hiện nhưng hiệu quả thấp.

"Từ nay đến hết ngày 31.12.2023, đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 43, đảm bảo thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đã đặt ra”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Anh Thảo
#