Hoạt động Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV

"Sức nóng" từ công trường đến nghị trường

- Chủ Nhật, 09/06/2024, 07:35 - Chia sẻ

Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhiều công trình trọng điểm quốc gia có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội đã được khởi công, khánh thành và đưa vào khai thác. Điểm sáng này được nhiều ĐBQH nhấn mạnh, từ đó đánh giá cao tinh thần quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trao đổi về vấn đề này, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa MAI VĂN HẢI khẳng định, sự quyết liệt và sát sao của Chính phủ là cần thiết và nên được duy trì trong bối cảnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa có đột phá.

Trên nóng, dưới cũng phải nóng

- Kết thúc đợt 1, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, bên cạnh thảo luận sôi nổi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, phiên thảo luận đánh giá tình hình kinh tế - xã hội cũng được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Điểm chung trong đánh giá của các ĐBQH là ghi nhận sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành. Cơ sở nào khiến các ĐBQH có cùng nhận định như vậy, thưa ông?

- Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Những tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,66% - cao nhất từ năm 2020 trở lại đây. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số tăng trưởng khá, giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm 30.4 đạt 17,46%; thu ngân sách ước đạt 43,1%, vốn FDI đăng ký mới và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ... Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng những quan sát thực tiễn, ghi nhận ý kiến cử tri, các ĐBQH có cơ sở để đánh giá cao sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải. Ảnh: Quốc Việt

“Đồng hành cùng Chính phủ, ngày 28.11.2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 về “Thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ”, trong đó có đặc thù về khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường, nhưng đặc thù này chỉ áp dụng cho một số dự án. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều dự án giao thông do cấp tỉnh, huyện quản lý cũng đang thiếu đất san lấp và phải mua với giá rất cao. Do đó, cần mở rộng phạm vi, từ chỉ áp dụng cho các công trình trọng điểm sang áp dụng cho tất cả các dự án thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, huyện để giải bài toán thiếu đất san lấp”.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa MAI VĂN HẢI

Với tôi, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là dấu ấn rõ nét thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đặc biệt là thúc đẩy tiến độ dự án các công trình trọng điểm quốc gia. Trong suốt nửa đầu năm 2024, bên cạnh chủ động điều hành từ sớm, từ xa bằng nhiều cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng liên tục đến từng công trường nắm bắt tiến độ thực tế và những vướng mắc, khó khăn để có phương án kịp thời tháo gỡ. Tôi cho rằng, Chính phủ đã tạo nên "sức nóng" ở nhiều công trường, tạo động lực đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ.

- Như vậy, có thể thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất sát sao trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tạo ra kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có đột phá, thậm chí còn rất khó khăn. Theo ông, đâu là nguyên nhân?  

- Tôi cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như: một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, còn tâm lý e ngại, sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; nhiều thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai đầu tư; tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, nhất là đất san lấp vẫn chưa được xử lý.

Trong bối cảnh khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao đời sống của Nhân dân. Để làm được như vậy, khi Chính phủ đã quyết liệt thì các bộ, ngành, địa phương cũng cần phải quyết liệt, “trên nóng thì dưới cũng phải nóng” mới có thể đạt được mục tiêu chung. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều dự án, công trình trọng điểm quốc gia đi qua. Mới đây nhất, thực hiện dự án đường dây 500KV mạch 3, tỉnh có khối lượng giải phóng mặt bằng, tái định cư rất lớn. Tuy nhiên, với tinh thần quyết liệt cùng với cách làm bài bản, chủ động, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, bàn giao sớm 100% mặt bằng sạch để thực hiện dự án.  

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương

 - Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã được các ĐBQH đóng góp tại phiên thảo luận; trong đó, giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công được nhiều đại biểu nhấn mạnh. Theo ông, đâu là giải pháp trọng tâm, cụ thể mà Chính phủ nên cân nhắc triển khai sớm để công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu đề ra?   

- Các nhóm giải pháp mà ĐBQH đưa ra tập trung vào cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Tôi cho rằng, đây chính là những giải pháp căn cơ nhất mà Chính phủ cần tập trung triển khai để tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm 2024. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng luôn là công việc phức tạp, khó khăn nhất trong quá trình triển khai các dự án. Do đó, tôi cho rằng nếu tách giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng để triển khai thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ cần lắng nghe thực tiễn để tạo cơ chế đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tạo điều kiện để các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, chủ động thực hiện nhiệm vụ. Bởi, thực tế thời gian vừa qua khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia hay Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đường cao tốc... có rất nhiều nội dung khó khăn, vướng mắc nếu mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ có thể thực hiện hiệu quả hơn. Hơn nữa, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ giảm được cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính. Đây có thể coi là chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương hiện nay. 

- Xin cảm ơn ông!

ĐÀO CẢNH
#