Cử tri Trần Hoàng Đồng, thành phố Vinh, Nghệ An:
Cần quan tâm 3 nội hàm căn bản của an ninh nguồn nước
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn qua truyền hình trực tiếp, tôi đặc biệt quan tâm và ấn tượng đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường. Tôi nhận thấy, dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, thể hiện rõ vai rõ trách nhiệm của người hỏi và người trả lời.
Những câu hỏi mà các ĐBQH đặt ra đều là những vấn đề bức thiết, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân cả nước. Trong đó có vấn đề bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, tài nguyên nước; giải pháp để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn... Theo đó, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thành viên của Chính phủ đã rất cầu thị, trách nhiệm, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách để làm rõ các vấn đề mà ĐBQH, cử tri, dư luận quan tâm. Đặc biệt là các vấn đề về an ninh nguồn nước, khai thác khoáng sản. Đối với vấn đề quản lý tài nguyên biển được nhiều đại biểu nêu, cần nhìn nhận nguồn tài nguyên này đang bị suy kiệt theo thời gian, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là do biến đổi khí hậu. Biển đang tiếp tục bị “đầu độc” bởi các nguồn ô nhiễm khác nhau, trong đó, có rác thải nhựa và đất đèn. Tôi mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục xây dựng những giải pháp căn cơ để bảo vệ môi trường biển.
Về vấn đề an ninh nguồn nước được các ĐBQH quan tâm chất vấn, tôi cho rằng, Bộ trưởng cần quan tâm đến 3 nội hàm căn bản: Bảo đảm số lượng nước cho tất cả các đối tượng, thành phần kinh tế; giảm thiểu rủi ro về nước và ô nhiễm nguồn nước; bảo đảm sử dụng công bằng, hiệu quả lượng nước. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 nội hàm trên, cần xem xét đến thể chế, thiết chế, phương pháp để vận hành toàn bộ hệ thống. Đây là vấn đề không chỉ làm xong trong một sớm một chiều, mà cần thời gian để đưa ra được chương trình mang tính bao trùm. Mong rằng, các giải pháp cụ thể được Bộ trưởng và các thành viên của Chính phủ nêu ra tại phiên chất vấn sẽ sớm mang lại hiệu quả và khắc phục được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế để mang đến lợi ích chính đáng cho người dân.
Cử tri Trần Xuân Mỹ, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ:
Sát thực tế, rõ trách nhiệm trước những búc xúc về tài nguyên, môi trường
Là cử tri đang sinh sống tại đồng bằng sông Cửu Long, tôi cũng như đông đảo cử tri đặc biệt quan tâm đến chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể là các vấn đề liên quan đến giải pháp ứng phó, khắc phục tình trạng sụt lún đất, sạt lở bờ biển, bờ sông, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong mùa khô hạn.
Qua theo dõi truyền hình trực tiếp về phiên chất vấn, tôi đánh giá cao phần chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực này. Các đại biểu đưa ra các câu hỏi đúng, trúng, hợp lòng dân. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời thẳng thắn những câu hỏi, tranh luận của đại biểu về những vấn đề nóng của ngành, nhất là những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về tình trạng sạt lở đất, sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu ra những nguyên nhân cơ bản của tình trạng sạt lở đất là do nền địa chất được kiến tạo với các lớp địa chất trầm tích còn non trẻ; lượng phù sa trong các dòng sông giảm rất lớn, thiếu hụt sự bồi đắp; tình trạng khai thác cát trái phép, lấn chiếm bờ sông để xây dựng các khu dân cư, khu đô thị làm thay đổi dòng chảy. Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến các giải pháp ứng phó như quy hoạch, bố trí lại dân cư; xử lý việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông; nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo... Đây cũng là những giải pháp mà nhiều người dân ở đồng bằng sông Cửu Long mong muốn được Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Về giải pháp đối phó với tình trạng hạn hán ngày càng khốc liệt trong mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu ngắn gọn về giải pháp và đã đi vào những vấn đề trọng tâm là: triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); hoàn thành các quy hoạch, trong đó có khu vực sông; điều hòa, điều phối nước hợp lý để chống hạn; tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cao cảnh báo sớm cho người dân, địa phương, góp phần chuyển đổi kinh tế, mùa vụ phù hợp. Những nội dung trả lời cho thấy, Bộ trưởng nắm khá chắc tình hình thực tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long và những giải pháp nêu ra cũng thể hiện khá rõ tính cần thiết và khả thi.
Tôi cũng rất tán đồng với giải pháp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra là trước mắt, để hạn chế hậu quả thiếu nước ngọt tình trạng xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, Chính phủ nên ưu tiên đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long các công trình hạn chế xâm nhập mặn, tăng cường tích trữ nước ngọt với độ phủ rộng, nhiều người dân hưởng lợi. Nhìn chung, cách nhìn nhận vấn đề và những giải pháp mà các Bộ trưởng nêu ra cho thấy các Bộ trưởng rất sâu sát thực tế và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của vị tư lệnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cử tri Nguyễn Quốc Khôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội:
Cùng giải quyết những vấn đề cấp bách, thực tiễn đang đặt ra
Ngày đầu tiên của phiên chất vấn với 2 lĩnh vực tài nguyên môi trường và lĩnh vực công thương, đây đều là những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của ĐBQH cũng như cử tri và Nhân dân cả nước. Đặc biệt là vấn đề an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước. Phiên chất vấn diễn ra với không khí sôi nổi, dân chủ và xây dựng. Các ĐBQH đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao, nắm bắt vấn đề thực tiễn khá đầy đủ, kịp thời. Điều này thể hiện rõ qua những câu hỏi chất vấn, tranh luận tới cùng sự việc, vấn đề.
Phiên chất vấn cũng cho thấy, các Bộ trưởng nắm rất rõ, toàn diện nội dung các vấn đề, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Phần trả lời của các Bộ trưởng cơ bản đáp ứng yêu cầu của ĐBQH, cử tri. Qua theo dõi, tôi rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, việc thực hiện bảo vệ môi trường cần có giải pháp đồng bộ, thời gian dài hạn, cần có nhiều dự án thí điểm, dự án khôi phục các dòng sông. Bên cạnh đó, cần tính đến Chương trình mục tiêu quốc gia, để không chỉ được hỗ trợ về nguồn lực mà tất cả người dân, doanh nghiệp đều tham gia vào bảo vệ môi trường. Bên cạnh nguồn lực đầu tư công, cần huy động nguồn lực từ xã hội hóa, từ người dân, từ doanh nghiệp.
Để phiên chất vấn thành công, tôi cũng đánh giá cao phần điều hành mạch lạc, khoa học của Chủ tịch Quốc hội dẫn dắt cả người chất vấn và người trả lời chất vấn đi đúng "quỹ đạo".
Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, Quốc hội và Chính phủ hiểu rõ hơn những khó khăn, thuận lợi để có sự phối hợp tốt hơn trong việc điều hành, triển khai công việc nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, giải quyết những vấn đề cấp bách, thực tiễn đang đặt ra.