Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Quyết liệt thực hiện các giải pháp, cam kết đã đưa ra

- Thứ Hai, 20/03/2023, 18:39 - Chia sẻ

Ghi nhận tinh thần cầu thị, thẳng thắn, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, cũng như các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn, song, các đại biểu đề nghị, các giải pháp, cam kết đưa ra cần được quyết liệt triển khai thực hiện trong thời gian tới.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Kỳ vọng những “nút thắt” trong ngành tòa án và kiểm sát sẽ được tháo gỡ

Nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra rất dân chủ, thẳng thắn và cởi mở. Các ĐBQH bám sát các nội dung chất vấn để đặt câu hỏi, đặc biệt là những vướng mắc trong thực tiễn của hai ngành tòa án và kiểm sát. Trong đó, nhiều tồn tại, hạn chế nêu trong hai báo cáo của ngành tòa án và kiểm sát được các đại biểu quan tâm, đề nghị người đứng đầu hai cơ quan tư pháp giải trình, làm rõ. Diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, song không khí phiên chất vấn thực sự sôi nổi, với cơ sở hạ tầng đường truyền được bảo đảm khá tốt, không ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng phiên chất vấn.

Tôi và nhiều ĐBQH cũng như cử tri đánh giá cao phần trả lời của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Rất bình tĩnh, trả lời thẳng thắn mọi câu hỏi, mọi vấn đề ĐBQH chất vấn và tranh luận; cách trình bày, lập luận rất rõ ràng, thể hiện sự nắm chắc vấn đề. Với những câu hỏi chất vấn liên quan đến vụ việc, số liệu cụ thể, Chánh án và Viện trưởng cho biết sẽ trả lời bằng văn bản. Đây là tinh thần làm việc rất trách nhiệm và nghiêm túc, được các ĐBQH và cử tri ghi nhận.

Chủ tọa điều hành phiên chất vấn cho thấy sự linh hoạt, khoa học, từ việc mời các ĐBQH chất vấn kết hợp tranh luận với nội dung, số lượng câu hỏi hợp lý, vừa bảo đảm thời gian, nội dung chất vấn, vừa giúp người trả lời chất vấn có thể chủ động chuẩn bị tốt nhất cho phần trả lời. Điều này góp phần làm cho phiên chất vấn diễn ra rất nhịp nhàng và hiệu quả.

Qua phiên chất vấn, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của hai ngành tòa án và kiểm sát cơ bản được làm rõ. Từ việc phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế, người đứng đầu hai cơ quan tư pháp đã nêu cụ thể những đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm bảo đảm công tác xét xử, kiểm sát ngày càng hoàn thiện hơn, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào việc bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật cũng như công tác phòng ngừa tội phạm và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Tôi kỳ vọng sau phiên chất vấn này, những “nút thắt” trong công tác tòa án và kiểm sát sẽ được tháo gỡ; đặc biệt là việc tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định): Khoa học, hợp lý

Tiếp tục những đổi mới trong hoạt động chất vấn, phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này được tổ chức rất linh hoạt, vừa bảo đảm sự tham gia tích cực, đầy đủ của các ĐBQH, vừa hiệu quả và tiết kiệm. Vai trò điều hành của Chủ tọa rất khoa học, hợp lý, bảo đảm các câu hỏi của ĐBQH đều được trả lời, đồng thời tạo điều kiện để người trả lời chất vấn có thời gian nghiên cứu, trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. 

Trong một ngày diễn ra phiên chất vấn đối với hai lĩnh vực quan trọng là tòa án và kiểm sát, các ĐBQH chất vấn trực diện, đi thẳng vào các vấn đề, nhiều đại biểu tranh luận làm rõ tới cùng vấn đề quan tâm. Điều này cho thấy, sự lựa chọn nhóm vấn đề đưa ra chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất đúng và trúng, thể hiện được vai trò và tinh thần trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri và Nhân dân cả nước, với mong muốn các cơ quan tư pháp nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Với tinh thần cầu thị, nắm chắc thực trạng lĩnh vực quản lý, Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Lê Minh Trí đã trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm, giải trình cụ thể những vấn đề ĐBQH chất vấn, tranh luận. Đồng thời, chỉ rõ được tồn tại, hạn chế, đưa ra được giải pháp khắc phục đối với từng vấn đề của ngành mình.

Tôi đánh giá cao nỗ lực và kết quả của ngành Tòa án trong thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Mặc dù các thiết bị phục vụ cho xét xử trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn và với 647 tòa án, thì việc tổ chức xét xử trực tuyến 5.404 vụ án là kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng trong tổ chức các phiên tòa trực tuyến, ngành tòa án cần chú trọng tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng xét xử trực tuyến; đồng thời, bổ sung và nâng cao trình độ chuyên môn cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý, vận hành hệ thống xét xử trực tuyến khi được trang bị đầy đủ.

ĐBQH Trương Xuân Cừ (TP. Hà Nội): Thẳng thắn, dám nhận trách nhiệm

Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, trách nhiệm. Các ĐBQH đưa ra chất vấn rất trách nhiệm, phản ảnh sát diễn biến thực tế đời sống, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Thẳng thắn và dám nhận trách nhiệm là những điểm nổi bật trong phần trả lời của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Chính phủ, một số bộ, ngành liên quan. Đây là những yêu cầu rất xác đáng, kịp thời, phản ánh đúng mong mỏi của ĐBQH, cử tri và Nhân dân cả nước. Mong rằng, Chánh án, Viện trưởng cùng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành hữu quan thực hiện quyết liệt các giải pháp, cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH, trước cử tri và Nhân dân cả nước.

Mong rằng, Chánh án và Viện trưởng cần quan tâm tới các ý kiến của không ít ĐBQH về việc một số quy trình, thủ tục còn rườm rà, đùn đẩy, dẫn tới xử lý, giải quyết các vụ án chưa dứt điểm; khởi tố, xét xử một số vụ việc chưa kịp thời… Trong đó, tình trạng truy tố, xét xử một số vụ án hành chính chậm trễ thời gian qua đã gây tốn kém cho cả bên bị đơn và nguyên đơn. Điều này cũng cần chú ý trong công tác thi hành án, khi đã có các con số cụ thể về truy thu trong vụ án dân sự, kinh tế thì phải thực hiện dứt điểm; tránh tình trạng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kéo dài, làm giảm lòng tin của người dân đối với hiệu lực của bản án, cũng như với công tác tố tụng. Đúng là trong quá trình này, các cơ quan chức năng phải thực hiện thận trọng, nhưng cũng không thể kéo dài một cách vô lý.

Trung Thành - Minh Trang - Lê Bình thực hiện
#