Tham gia Đoàn khảo sát, có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, ĐBQH tỉnh; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung, ĐBQH tỉnh.
Trong lịch trình khảo sát, Đoàn đã thực tế, tìm hiểu về công tác chuẩn bị xây dựng, sửa chữa một số hạng mục hạ tầng và hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; khảo sát thực tế công tác bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Làm việc với các sở, ngành liên quan, TP. Hạ Long và TP. Uông Bí về thực tiễn công tác quản lý nhà nước và những nội dung đề xuất, tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), một số vấn đề đã được các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận như: Những bất cập trong quy định của của Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); cần phải phân cấp quản lý đối với Di tích quốc gia, Di tích quốc gia đặc biệt cho các địa phương, đặc biệt là phân cấp về thẩm quyền cấp phép triển khai các dự án đầu tư, tôn tạo các dự án phát triển kinh tế - xã hội nằm trong phạm vi bảo vệ của di sản; tiêu chí, tiêu chuẩn trong việc cấp phép xây dựng đối với các công trình xây dựng nhỏ lẻ; giải pháp, nguyên tắc trong thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.
Là địa phương có số lượng di sản lớn, trong đó có những di sản có giá trị đặc biệt, những ý kiến tham gia xuất phát từ thực tế công tác quản lý Nhà nước đối với các di sản tại Quảng Ninh là căn cứ thực tiễn quan trọng để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, tham gia ý kiến vào quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Thông qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng sau khi Luật được Quốc hội xem xét thông qua và có hiệu lực thi hành.