Quản lý viên chức theo đúng tinh thần của Luật

- Thứ Hai, 29/08/2022, 05:38 - Chia sẻ

Luật Viên chức năm 2010 có bước chuyển quan trọng là chuyển quản lý từ ngạch sang chức danh nghề nghiệp, nhưng tại nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn có dáng dấp quản lý như công chức, phân viên chức theo hạng nghề nghiệp. Do vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, các bộ ngành cần chủ động rà soát quy định về chức danh nghề nghiệp và hạng chức danh nghề nghiệp, sớm sửa đổi các văn bản liên quan để thực hiện đúng tinh thần của Luật.

Văn bản hướng dẫn chậm được sửa đổi

Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ về việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành đã quy định cơ bản đầy đủ về mã số, tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở các quy định này, các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, xây dựng vị trí việc làm, số lượng, cơ cấu viên chức, cử viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các văn bản quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định.

Nguồn: ITN
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, bảo đảm xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm cơ sở để cơ quan quản lý, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức đúng quy định của pháp luật. Rà soát tổng thể các quy định về chức danh nghề nghiệp và hạng chức danh nghề nghiệp; trước mắt chỉnh lý các quy định về thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bảo đảm đơn giản, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ; cắt giảm các chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Trương Hải Long

Việc ban hành các văn bản quy định về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là căn cứ quan trọng để chuẩn hóa đội ngũ viên chức, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập, là cơ sở để thực hiện công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, cơ bản đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới.

Tuy nhiên, tại Báo cáo của Bộ Nội vụ và qua khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, một số Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa ban hành đầy đủ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dẫn đến các địa phương sau khi tuyển dụng không thể xếp vào chức danh nghề nghiệp tương ứng, như: vị trí kỹ sư Nông học, kỹ sư Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), kỹ sư Xây dựng (Bộ Xây dựng), kỹ sư Công nghệ thông tin, kỹ sư Lập trình, kỹ sư Phần mềm (Bộ Thông tin và Truyền thông).

 Về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, một số chức danh nghề nghiệp yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng, song nhiều nội dung của chương trình bồi dưỡng còn trùng lắp với chương trình đào tạo. Cá biệt, một số lĩnh vực sự nghiệp, Bộ quản lý chuyên ngành hầu như chưa mở các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dẫn đến tình trạng viên chức không đủ điều kiện để tham dự kỳ thi thăng hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của viên chức. Mặt khác, theo quy định của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ CP thì với mỗi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chỉ có 1 chứng chỉ bồi dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay một số Bộ vẫn chưa sửa đổi quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định mới của nghị định, vẫn quy định mỗi hạng chức danh nghề nghiệp đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng tương ứng.

Qua khảo sát, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, đối với chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trường tiểu học công lập, trường trung học cơ sở công lập và trung học phổ thông công lập phát sinh một số vướng mắc trong thực hiện. Ví dụ như, tiêu chuẩn của một số chức danh nghề nghiệp viên chức còn quá cao so với thực tế (như tiêu chuẩn giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ trở lên) hoặc chưa thực sự phù hợp (như việc phân chia tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp theo hạng tại các Thông tư).

Phân hạng ngạch viên chức chủ yếu giúp xác định lương

Bên cạnh những vấn đề được báo cáo của các cơ quan chức năng đưa ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, Luật Viên chức năm 2010 có bước chuyển quan trọng là chuyển quản lý từ ngạch sang chức danh nghề nghiệp. Song, từ nghị định đến thông tư vẫn có dáng dấp quản lý như công chức, trong đó giáo viên tiểu học cũng được phân hạng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, tại giải thích từ ngữ ở Nghị định số 115/2020 của Chính phủ vẫn quy định hạng chức danh nghề nghiệp là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp, tương tự như giải thích về ngạch của công chức.

Qua khảo sát các địa phương, một số thành viên Ủy ban Pháp luật đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng “đưa ra các hạng, ngạch viên chức chủ yếu để xác định lương, không có tác dụng nhiều trong quản lý, sử dụng viên chức”. Trong khi đó, quy định này gây khó khăn cho cơ sở khi không đáp ứng được tiêu chuẩn. Thực tế này đòi hỏi Bộ Nội vụ và các bộ liên quan có văn bản hướng dẫn cho các địa phương thực hiện để thu hút, tuyển dụng được các viên chức có chất lượng cao cho đơn vị sự nghiệp, cũng như tránh tùy nghi trong áp dụng.

Đối với lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đội ngũ nhà giáo là nguồn lực quan trọng nhất của ngành để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nên "việc gì có thể nâng cao điều kiện công tác, chất lượng giáo dục thì Bộ đều không quản ngại thực hiện". Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tích cực xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện mới, tiếp tục quan tâm xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cho các địa phương, đơn vị sự nghiệp.

Về việc phân hạng giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc phân hạng giáo viên được quy định tại nghị định, thông tư liên quan “về mặt câu chữ có thể gây một số hiểu nhầm”, nhưng đã bám sát những đòi hỏi thực tế trong sử dụng, quản lý giáo viên. Khảo sát trên 500.000 ý kiến của giáo viên thuộc các nhóm, vùng miền khác nhau về việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thì đa số ý kiến đồng tình với phân hạng giáo viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay trong quá trình khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các địa phương, ngày 7.6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1496 về việc dừng bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo các chương trình bồi dưỡng ban hành theo Quyết định số 382/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành ngay Quyết định số 1496 về việc dừng bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo các chương trình bồi dưỡng ban hành theo Quyết định số 382/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng có Quyết định số 423/2022 về Ban hành chương trình bồi dưỡng với cán bộ quản lý cấp phòng.

Đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm và khẩn trương của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm ban hành văn bản tháo gỡ vướng mắc trong bổ nhiệm cán bộ quản lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, các bộ ngành quản lý viên chức chuyên ngành phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các văn bản hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực hiện quy định pháp luật về quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý.

Thanh Hải