Qua thử thách càng tỏa sáng một Quốc hội vì dân, vì nước

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG:
 
Qua thử thách càng tỏa sáng một Quốc hội vì dân, vì nước
Nhấn mạnh lại câu tục ngữ của người Việt “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG chia sẻ, tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” của Quốc hội Khóa XV được “tôi luyện” trong điều kiện khắc nghiệt chưa từng có của đại dịch Covid-19, của những biến chuyển phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế và đã tỏa sáng, đã khẳng định vai trò, vị thế của một Quốc hội thực sự vì nhân dân, vì đất nước. Trên nền tảng đó, dù có bất cứ khó khăn, thử thách nào ở phía trước, chắc chắn chúng ta cũng sẽ vượt qua để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Qua thử thách càng tỏa sáng một Quốc hội vì dân, vì nước
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Hành động quyết liệt vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước

- Trong cuộc trò chuyện trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022, ông đã chia sẻ với độc giả Báo Đại biểu Nhân dân rằng, những bước đi, sự sáng tạo và quyết đáp mạnh mẽ của Quốc hội trong năm đầu nhiệm kỳ là điểm tựa vững chắc, là tiền đề quan trọng để Quốc hội hoàn thành trọng trách của mình. Đi qua năm thứ hai với nhiều dấu ấn đậm nét được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân ghi nhận, chắc chắn “điểm tựa” của Quốc hội đã càng thêm vững chắc, thưa ông?

- Năm 2022, đại dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi cả nước đã tạo môi trường, điều kiện rất quan trọng để đất nước ta phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dù vậy, sự phục hồi của nền kinh tế nước ta cũng đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng lớn, nhất là những tác động do tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động, bất ổn, phức tạp, khó lường, vượt ra ngoài khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế. Trong bối cảnh đó, với quyết tâm, trách nhiệm cao trước Đảng và Nhà nước, trước cử tri và nhân dân, Quốc hội đã kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường đối ngoại và không ngừng cải tiến cách thức làm việc, hành động quyết liệt, để cùng với Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị giải quyết các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, vì nhân dân, lấy người dân làm trung tâm trong mọi quyết sách, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Qua thử thách càng tỏa sáng một Quốc hội vì dân, vì nước -0

Để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội trong bối cảnh hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội còn tiếp tục phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 là, phải tiếp tục chuyên nghiệp hơn nữa, lan tỏa tinh thần tận tụy, tận tâm, khát vọng cống hiến trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để đóng góp vào hoạt động chung của Quốc hội.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI,
CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
BÙI VĂN CƯỜNG

Nếu năm 2021, Quốc hội đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện vừa chỉ đạo bầu cử, vừa chuyển giao hai nhiệm kỳ Quốc hội, vừa phải thích ứng linh hoạt với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thì khối lượng công việc năm 2022 còn lớn hơn, nhiều hơn trong công tác hoàn thiện thể chế, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, để vừa thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, vừa triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược dài hạn mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Vừa qua, các cơ quan truyền thông đã bình chọn 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022. Dù đó là những dấu ấn nổi bật, nhưng cũng mới phản ánh một phần hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, phần nào cho thấy những kết quả rất toàn diện trong năm 2022, đã đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.

- Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặc biệt chú trọng việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ những đổi mới trong việc tổ chức thực hiện giám sát trong năm 2021, đến năm 2022, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi quan trọng, căn cơ cả về khung khổ pháp lý, cách thức tổ chức thực hiện cho đến hiệu quả, hiệu lực giám sát. Xin ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Hoạt động giám sát của Quốc hội dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng tại Nghị quyết số 161/2021/QH14, khi “giao lại” nhiệm vụ cho Khóa XV, Quốc hội đã thẳng thắn chỉ rõ đây vẫn còn là khâu yếu. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh Quốc hội phải “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”.

Vì thế, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động giám sát. Nếu năm 2021, đổi mới hoạt động giám sát mới chủ yếu tập trung vào cách thức tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn thì trong năm 2022, chúng ta đã tiến thêm những bước rất căn cơ trong việc hoàn thiện thể chế giám sát và cách thức tổ chức thực hiện giám sát ngày càng đổi mới, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân.

Về thể chế giám sát, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, trên cơ sở đó đã ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 để các cơ quan triển khai. Lần đầu tiên theo chức năng luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, quy định về chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều điểm mới đã được sửa đổi trong Nội quy Kỳ họp tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua. Các văn bản này đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ký Quy chế phối hợp công tác với Ban Nội chính Trung ương nhằm phát huy vai trò giám sát, tăng cường tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị về các cơ chế, chính sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua thử thách càng tỏa sáng một Quốc hội vì dân, vì nước -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc làm việc với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố, ngày 14.1

Về tổ chức giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, trên cơ sở các Đề cương, kế hoạch cụ thể của từng chuyên đề đã được Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng, nhiều vòng, tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc để thống nhất cách làm, các Đoàn giám sát đã triển khai bài bản, đổi mới thực chất trong từng phần việc, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, tạo chuyển biến bước đầu hết sức quan trọng về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương.

Tôi nói ví dụ như chuyên đề giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có quy mô, phạm vi, lĩnh vực rất rộng, rất phức tạp. Lần này, giám sát của Quốc hội mới chỉ tập trung vào lĩnh vực công và ở một số lĩnh vực trọng điểm về quản lý, sử dụng nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, nhưng số liệu, dữ liệu đã vô cùng nhiều và cũng chỉ ra nhiều điều cần quan tâm giải quyết để công tác này đạt hiệu quả tốt hơn thời gian tới.

Trước khi Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan chịu sự giám sát thì đã có Tổ công tác làm việc chuyên sâu với các cơ quan này (điều mà trước đây không có) nhằm thu thập thông tin, củng cố số liệu, thực trạng nội dung giám sát. Có những bộ, ngành, địa phương sau khi Tổ công tác làm việc rồi đến Đoàn giám sát làm việc vẫn phải tiếp tục yêu cầu báo cáo lần thứ hai, lần thứ ba, thậm chí lần thứ tư mới có thể đánh giá đúng được thực trạng. Đúng như Chủ tịch Quốc hội nhận định, Đoàn giám sát đã “bơi trong rừng số liệu và tư liệu để chắt lọc ra những vấn đề lớn, trọng tâm, đưa ra những kiến nghị đích đáng nhằm tạo chuyển biến trong thực tiễn”.

Các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát là trên cơ sở thực chứng rất rõ ràng, có căn cứ khoa học, thực tiễn đầy đủ, cụ thể với từng lĩnh vực phải làm việc gì, ai làm, bộ nào, ngành nào, địa phương nào làm gì, thời gian và thời hạn thực hiện như thế nào, trách nhiệm ra sao... Nhiều đồng chí lãnh đạo các địa phương nói với tôi rằng, khi Quốc hội giám sát chuyên đề này thì họ cũng mới thấy đúng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề rất lớn, từ đó chuyển biến về nhận thức để quản lý, sử dụng các nguồn lực gồm nhân lực, vật lực, tài lực của địa phương hiệu quả hơn. Có những địa phương ngay trong quá trình giám sát của Quốc hội đã tiến hành thu hồi các dự án treo, các dự án trước đây giao cho doanh nghiệp không đủ năng lực, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực đất đai, kể cả xem xét lại các quyết định chủ trương đầu tư chưa trúng...

Hay với giám sát về công tác quy hoạch thì sau giám sát tối cao, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác lập quy hoạch. Vừa qua, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ cũng đang tập trung đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch để sớm đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật liên quan đến quy hoạch vào thời gian phù hợp. Như vậy, chuyển biến sau giám sát của Quốc hội là rất rõ nét.

Tập trung nhiều hơn cho các mục tiêu dài hạn

- Trong thành tựu chung của Quốc hội có sự đóng góp quan trọng, tận tụy hết mình của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, thường thì công tác văn phòng là “làm dâu trăm họ, không bị phê bình đã quý rồi, nhưng Văn phòng Quốc hội năm qua thì được khen nhiều hơn”. Cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ Quốc hội cũng đã có một năm nhiều dấu ấn, thưa ông?

- Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Văn phòng Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiến bộ vượt bậc, mọi việc được chuẩn hóa và đi vào nền nếp hơn, ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Với vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã triển khai, thực hiện và hoàn thành nhiều yêu cầu, nhiệm vụ khá nặng nề, trong đó có những nội dung đột xuất, mới, khó, phức tạp, chưa từng có tiền lệ. Tập thể và từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới, cải tiến cách thức làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn, thúc đẩy tư duy sáng tạo, ý chí phấn đấu, nâng cao năng lực dự báo tình hình và chủ động tham mưu, đề xuất để các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội kịp thời xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Đặc biệt, trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động lập pháp đã tiếp tục được đầu tư theo chiều sâu, có nhiều cải tiến, đổi mới về cách thức tổ chức thực hiện. Văn phòng đã tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất các nội dung, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến Thường trực các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học... để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư. Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; nội quy hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp, tăng cường hơn nữa tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, hiện đại và chủ động trong hoạt động của Quốc hội, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Qua thử thách càng tỏa sáng một Quốc hội vì dân, vì nước -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương và cử tri trao đổi tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Trung Thành

Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp tham mưu, phục vụ việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp; phối hợp tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc chuẩn bị, thẩm tra kỹ lưỡng các dự án, dự thảo. Với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”, chủ động, quyết liệt, không chờ cơ quan soạn thảo, Văn phòng đã phối hợp tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực tổ chức nhiều cuộc làm việc để nghe các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội báo cáo về công tác soạn thảo và nội dung các dự án luật trước khi đưa ra thảo luận tại phiên họp; kịp thời cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung lớn để hoàn thiện trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét. Tham mưu, phục vụ các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo, nắm chắc tiến độ, chất lượng chuẩn bị để phục vụ các cuộc họp cho ý kiến, thẩm tra. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ nét, giúp nâng cao chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết ngay từ khâu chuẩn bị, tạo sự đồng thuận cao khi biểu quyết thông qua.

Văn phòng Quốc hội, trực tiếp là các vụ giúp việc các cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn chú trọng quán triệt thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; tăng cường chiều sâu trong nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung; tích cực thu thập thông tin, làm việc với các cơ quan, đơn vị hữu quan để kịp thời phục vụ có hiệu quả công tác tham mưu thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. 

- Khép lại một năm nhiều vất vả nhưng cũng vô cùng tự hào với Quốc hội nói chung và với cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội nói riêng, trước thềm Xuân mới Quý Mão 2023, ông kỳ vọng điều gì?

- Những thành tựu rất toàn diện của Quốc hội cũng như Văn phòng Quốc hội trong năm 2022 là động lực quan trọng để chúng ta tiếp tục phấn đấu, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước. Tôi tin rằng, trong năm 2023, Quốc hội sẽ tiếp tục có những đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch.

Trong đó, trọng tâm là tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Kỳ họp thứ Năm và Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội; các phiên họp và Hội nghị quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tăng cường công tác lập pháp theo tinh thần Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, rà soát bổ sung thêm các nhiệm vụ mới phát sinh chưa được đưa vào Kế hoạch này. Trước mắt là tổ chức thật hiệu quả việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tiếp tục nghiên cứu, giải trình thấu đáo để hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua dự luật quan trọng này.

Qua thử thách càng tỏa sáng một Quốc hội vì dân, vì nước -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Bùi Văn Cường chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo thôn Tông Phố, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

Tiếp tục làm tốt công tác giám sát, ngoài tập trung cho 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đẩy mạnh hoạt động giám sát về các nội dung, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 560 ngày 22.7.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Sáu; xây dựng, hoàn thiện Định hướng hoạt động đối ngoại của Quốc hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và triển khai có hiệu quả công tác đối ngoại, nâng cao vai trò của ngoại giao nghị viện góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

Có thể nói, khối lượng công việc của Quốc hội trong thời gian tới là rất lớn. Chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và từ bây giờ, phải tập trung nhiều hơn cho các mục tiêu dài hạn nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Tục ngữ ta có câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” của Quốc hội Khóa XV không chỉ tiếp nối truyền thống của 14 nhiệm kỳ Quốc hội mà còn được “tôi luyện” trong điều kiện khắc nghiệt nhất, chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, của những biến chuyển phức tạp, khó lường trong quan hệ quốc tế và đã tỏa sáng, đã khẳng định mạnh mẽ vai trò, vị thế của một Quốc hội thực sự vì nhân dân, vì đất nước. Vì thế, tôi tin rằng, tới đây dù có bất cứ khó khăn, thử thách nào, chúng ta cũng sẽ vượt qua được.

- Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!
QUỲNH CHI thực hiện