Phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động

- Thứ Tư, 22/03/2023, 07:11 - Chia sẻ

NGUYỄN NGỌC TUẤN - Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội

Xác định rõ tầm quan trọng và nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng bộ thành phố, được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn hiệu quả của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đặc biệt là của Ban Công tác đại biểu (CTĐB), HĐND thành phố Hà Nội luôn chú trọng cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, được đánh giá là “điểm sáng”, “hình mẫu” trong hoạt động của các cơ quan dân cử cả nước.

Phối hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử, kiện toàn tổ chức bộ máy

Thủ đô Hà Nội và cả nước tổ chức cuộc bầu cử trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, Hà Nội là địa bàn trọng điểm, phải đối mặt với sự chống phá của các thế lực thù địch, lợi dụng dân chủ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hòng chống phá cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương có số đơn vị bầu cử, số khu vực bỏ phiếu lớn nhất cả nước. Quá trình chuẩn bị và tổ chức công tác bầu cử, các nội dung đều được HĐND thành phố Hà Nội trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Ban CTĐB, bảo đảm các quy trình đều được tiến hành đúng luật, dân chủ.

Kết quả, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -  2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thành công rất tốt đẹp, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, an toàn, thực sự là ngày hội của toàn dân. Ngay sau khi tổ chức thành công cuộc bầu cử, HĐND thành phố Hà Nội đã kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; với sự hướng dẫn chặt chẽ, kịp thời của Ban CTĐB, công tác chuẩn bị, tiến hành thực hiện các quy trình, nội dung về nhân sự của HĐND, UBND, Hội thẩm nhân dân khóa mới được thực hiện theo đúng quy định của Đảng và pháp luật. 

Tăng đại biểu chuyên trách nhưng không làm tăng biên chế

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động phối hợp với Ban CTĐB nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật, thống nhất đề xuất với các cấp có thẩm quyền tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách của thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của thủ đô.

Kết quả, ngày 8.4.2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố. Theo đó, tổng số đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính thức được nâng lên 19 đại biểu - cao nhất từ trước tới nay, nhưng không làm phát sinh tăng biên chế trong tổng biên chế hành chính của thành phố. Đồng thời, việc bố trí tăng số lượng, chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn mới được quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019, đặc biệt là các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát quyền lực

Việc Ban CTĐB tham mưu UBTVQH ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND là nội dung rất quan trọng, thiết thực, là cơ sở pháp lý nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, lan tỏa sự đổi mới, hiệu quả trong hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử từ Quốc hội, UBTVQH đến HĐND thành phố và HĐND các cấp.

Xác định ý nghĩa đó, ngay sau khi Nghị quyết 594 được ban hành, Thường trực HĐND thành phố đã tập trung, khẩn trương tổ chức Hội nghị trực tuyến để quán triệt, triển khai đến HĐND 30 quận, huyện, thị và các xã, thị trấn toàn thành phố. Các nội dung mới trong Nghị quyết như: chuẩn hóa việc xây dựng chương trình giám sát, xác định tiêu chí và các mốc thời gian, cách thức tổ chức và nâng cao hiệu lực chất vấn, công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát… đã được Thường trực HĐND các cấp thành phố áp dụng, cụ thể hóa và đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Có thể khẳng định, với sự phối hợp, kết nối chặt chẽ trong hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội và Ban CTĐB, hoạt động của cơ quan dân cử từ Quốc hội tới cơ sở đã và đang tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả; ngày càng sát thực tiễn, sát dân, sát cơ sở và khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước.