Triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Phát huy những cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn

- Thứ Năm, 29/09/2022, 05:06 - Chia sẻ

Hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua tiếp tục có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Khẳng định điều này, tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, các đại biểu nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo và hiệu quả đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy:
Đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát

Phát huy những cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến cuối năm 2022, và triển khai Chương trình giám sát năm 2023, Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị một số vấn đề cần chú trọng như: 

Một là, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội năm 2022.

Hai là, quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới được đề xuất tại Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát đã được Đảng đoàn Quốc hội phê duyệt theo Kết luận số 843 KL/ĐĐQH15 ngày 3.8.2022.

Ba là, đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động, linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát. Kết luận, kiến nghị giám sát phải chỉ rõ mặt được, chưa được và nguyên nhân, trách nhiệm đối với các vấn đề tồn tại, hạn chế, bám sát thực tiễn và có tính thuyết phục; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để khắc phục các bất cập, hạn chế gắn với trách nhiệm thực hiện và tiến độ hoàn thành cụ thể để có cơ sở kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Bốn là, việc lựa chọn nội dung giám sát, nhất là giám sát chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề bất cập, bức xúc có tính thời sự của đất nước, được cử tri, nhân dân quan tâm. Việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn giám sát là đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần tính đến khả năng, quỹ thời gian thực hiện thực tế, cân đối, hài hòa với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát của các Đoàn giám sát bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả; công chức giúp việc các đoàn công tác, tổ khảo sát nên sử dụng huy động chủ yếu từ đơn vị giúp việc của cơ quan thường trực Đoàn giám sát và các đơn vị giúp việc chung của Văn phòng Quốc hội; bố trí thời gian làm việc hợp lý để hạn chế gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, địa phương chịu sự giám sát.

Sáu là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát công tác tổ chức thi hành pháp luật, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phù hợp với lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn:
Từng bước cụ thể hóa địa vị pháp lý của Đoàn giám sát

Phát huy những cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn

Năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung triển khai quyết liệt Chương trình giám sát với nhiều đổi mới, đạt nhiều kết quả mang tính đồng bộ và toàn diện ở tất cả các nội dung. Trong đó, các hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề đã tập trung vào nhiều vấn đề lớn, quan trọng, thiết thực và có nhiều đổi mới cải tiến trong cách làm để tạo chuyển biến và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri, của địa phương và của cả nước.

Trong quá trình giám sát, công tác phối hợp giữa các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ, chủ động hơn, hiệu quả hơn, đồng thời cũng là dịp địa phương liên thông giám sát để triển khai sát hơn, hiệu quả hơn các vấn đề nội dung giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; từng bước cụ thể hóa địa vị pháp lý của Đoàn giám sát, khảo sát trong thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đoàn giám sát.

Chỉ đạo điều hành các hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội bảo đảm hài hòa, thống nhất về thời gian. Tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu  quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.

Văn phòng Quốc hội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Trong đó, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về thẩm quyền, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; quy trình giám sát và kỹ năng thực hiện quyền giám sát cho các đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng:
Tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng, bao quát các lĩnh vực

Phát huy những cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn

Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Nội dung giám sát được Quốc hội lựa chọn sát với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước nhằm rà soát việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đã ban hành, gắn với sự phát triển của từng địa phương, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện khá hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội đúng quy định; giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, rõ nét, lựa chọn trúng và đúng các vấn đề.

Thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những kết quả tích cực; kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra những kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương. Từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thấy đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Đối với hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới phù hợp với chương trình giám sát của Quốc hội, nhất là về nội dung, phương thức giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới rõ rệt.

Để chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện hiệu quả trong những tháng cuối năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023, HĐND TP. Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp:

Một là, về mục tiêu phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; phải lựa chọn trúng vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề mà thực tiễn phát sinh khi triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Hai là, xây dựng chương trình giám sát bám sát tình hình thực tiễn, tập trung vào những vấn đề như: hoạt động của bộ máy nhà nước; việc ban hành và thực thi cơ chế, chính sách; hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ba là, tiếp tục chú trọng công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng công tác phối hợp phục vụ hoạt động giám sát, công tác nắm bắt thông tin của Quốc hội sau khi có nghị quyết giám sát, kết quả thực hiện của Chính phủ, từ đó có đánh giá và xác định việc giám sát đã đặt vấn đề đúng chưa, cần điều chỉnh chính sách gì, quy định nào để từ đó việc giám sát của Quốc hội đi đến cùng vấn đề.

Bốn là, trong Báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Năm là, đẩy mạnh tương tác với đối tượng chịu sự ảnh hưởng của chính sách, pháp luật; tăng cường sử dụng thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong xây dựng báo cáo và nghị quyết giám sát.

Sáu là, chú trọng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn; tăng cường xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện; nghiên cứu có quy định định kỳ xem xét việc giải quyết kiến nghị giám sát tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về việc tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Ngoài những kinh nghiệm, cách làm mới sáng tạo đã phát huy trong thời gian qua, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo điều kiện để Thường trực HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh được tham dự các buổi giám sát, làm việc của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi làm việc với các bộ, ngành Trung ương để thực hiện trách nhiệm giải trình, làm rõ các nội dung còn khác nhau giữa báo cáo của các cơ quan; qua đó, phân tích đánh giá về nguyên nhân chủ quan, khách quan; công tác phối hợp; cơ chế, chính sách; quy định pháp luật chưa thống nhất, chồng chéo, hoặc còn thiếu… để thấy được trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước mà nhất là các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó tự các cơ quan có các giải pháp khắc phục khả thi để thực hiện đạt kết quả tốt nhất các yêu cầu, lưu ý đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận.

Trung Thành - Lê Bình ghi