Củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh
Tại phiên thảo luận tổ, đa số các ĐBQH TP. Hà Nội nhất trí với việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách Nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng góp phần xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện.
Đề cập về quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ĐBQH Thích Bảo Nghiêm nhất trí với quy định về 6 nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là căn cứ từ yêu cầu thực tiễn và qua khảo sát, tổng hợp về thực trạng tổ chức, hoạt động hiện nay của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cho thấy, các nhiệm vụ quy định trong dự thảo Luật là những nhiệm vụ đã và đang quy định cho các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thực hiện và đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã được kế thừa, chỉnh lý và quy định bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở.
ĐBQH Thích Bảo Nghiêm cũng nhất trí về việc kiện toàn thống nhất các lực lượng công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, lực lượng bảo vệ dân phố và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung. Việc kiện toàn sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn; kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở… được tốt hơn, thực chất hơn.
Ngoài ra, việc kiện toàn cũng cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay để tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở. Khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
Vai trò của đoàn thể trong bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là hết sức quan trọng
Riêng ĐBQH Lê Nhật Thành nêu quan điểm, lực lượng công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở cùng lực lượng công an chính quy; tuy nhiên lại chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ công an xã bán chuyên trách được thực hiện khi tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; các điều kiện bảo đảm cũng chưa phù hợp… “Công an chính quy nắm chắc về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tình hình địa bàn còn nhiều hạn chế. Do đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ có vai trò quan trọng”, ĐBQH Lê Nhật Thành nhấn mạnh.
Còn ĐBQH Nguyễn Phương Thủy khẳng định, việc phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể trong bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là hết sức quan trọng. Tuy nhiên đại biểu cho rằng dự thảo Luật mới chỉ khái quát mối quan hệ công tác với HĐND, UBND, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã; chưa thể hiện rõ về mặt quan hệ giữa các bên trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ chung.
“Chúng tôi nhận thấy có tâm lý tại cơ sở xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự là của lực lượng công an; việc tham gia của các tổ chức khác khá bị động, chưa thực sự tích cực. Với Luật này, tôi kỳ vọng không chỉ xây dựng lực lượng nòng cốt mà phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.
Còn ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, lực lượng công an xã, dân phòng đã phát huy hiệu quả trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phát huy hơn nữa các lực lượng này ở địa phương. Để thực hiện hiệu quả lực lượng này, trong dự án Luật cần có những quy định rõ ràng về sự phối hợp ở các địa phương trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Liên quan đến nội dung trên, ĐBQH Trương Xuân Cừ cho rằng, để huy động tốt các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, chính quyền địa phương, các đoàn thể cần có trách nhiệm cùng với các Bộ ngành, cơ quan tham gia vào công việc này.
Theo quan điểm của ĐBQH Nguyễn Hải Trung, cần quan tâm hơn nữa thực hiện chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo hoạt động cho họ. Việc làm này nhằm động viên, khuyến khích, thu hút người dân tham gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vì vậy, đề nghị đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích được người dân tham gia, phù hợp với khả năng chi theo quy định.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Qua đó, Tổ Thư ký sẽ tổng hợp những ý kiến, đề xuất đóng góp trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.