Giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Gia Lai

Phải thực chất, hiệu quả, không hình thức

- Thứ Ba, 26/07/2022, 05:46 - Chia sẻ

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phủ rộng trên mọi lĩnh vực nên việc giám sát là để nhìn nhận rõ hơn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Từ đó, tiến tới việc hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như các quy định pháp luật có liên quan đến công tác này nhằm đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được những kết quả thực chất, hiệu quả hơn, không hình thức.

Phải thực chất, hiệu quả, không hình thức -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: T. Thành

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội nhấn mạnh tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Gia Lai sáng qua.

Ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều chậm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành, căn cứ vào Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ban hành giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm, tỉnh đã giao Sở Tài chính xây dựng, tham mưu UBND xem xét ban hành Chương trình này. Trên cơ sở đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành, công ty nhà nước và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm, có cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí của cấp, ngành; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp, biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đặt ra.

Đặc biệt, theo thẩm quyền, giai đoạn 2016 - 2021 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành 8 quyết định về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhờ đó, giai đoạn này, tỉnh đã tiết kiệm được tổng số tiền là 4.368.543 triệu đồng, trong đó, chỉ riêng 8 tháng cuối năm 2020, số tiền từ tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tại Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 24.6.2020 của UBND tỉnh là 132.928 triệu đồng.

Theo các thành viên Đoàn giám sát, các văn bản về lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được ban hành theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Các quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn (phân cấp nhiệm vụ chi gắn với phân cấp quản lý nhà nước, quy định định mức phân bổ chi thường xuyên) từng bước góp phần tăng cường công tác quản lý điều hành ngân sách, linh hoạt, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bảo đảm cân đối ngân sách…

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc ban hành các Chương trình theo thẩm quyền của Gia Lai giai đoạn 2016 - 2021 đều chậm so với quy định. Ví dụ như năm 2016 chậm 5 ngày; năm 2017 chậm 19 ngày; năm 2018 chậm 25 ngày… đến năm 2021 chậm 2 tháng. Đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh Gia Lai làm rõ trách nhiệm của các sở, ban ngành trong việc chậm ban hành; đánh giá làm rõ trong trường hợp chậm ban hành có ảnh hưởng tác động gì đến việc triển khai thực hiện Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua hay không để có giải pháp khắc phục.

Khẩn trương thu hồi đất do không sử dụng đúng mục đích

Qua làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, các thành viên Đoàn giám sát đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Bởi đây là lĩnh vực nóng, nổi cộm, có mức độ, quy mô lãng phí lớn trên phạm vi toàn quốc.

Với Gia Lai, Đoàn giám sát chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế lớn. Cụ thể, đối với đất nông lâm trường, diện tích đất quản lý, sử dụng của các tổ chức, cá nhân vẫn còn sai lệch giữa thực tế và hồ sơ, nhiều diện tích chưa quản lý được. Đa số diện tích đất rừng bị lấn chiếm để làm nương rẫy là của người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, không kê khai nên khó khăn trong việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng; đất rừng bị lấn chiếm đã được người dân sản xuất nương rẫy ổn định, lâu đời và trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao nên công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2021 của địa phương với diện tích 3.616,15ha, với số tiền thu 109.309,17 triệu đồng trong khi giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu có sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2021 chỉ là 13ha, với số tiền thu được là 179.085,39 triệu đồng. Hoặc diện tích đất được giao, cho thuê nhưng không đưa vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng với tổng diện tích thu hồi là 987,532ha/tổng diện tích đã giao đất, cho thuê đất là 987,532ha. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thu hồi đất do sử dụng đất không đúng mục đích với tổng diện tích là 8.047,8ha…

Từ thực tế đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Minh Nam đề nghị, Gia Lai cần khẩn trương thu hồi đất do không sử dụng đúng mục đích, chậm tiến độ sử dụng 900,009ha và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, thống kê, báo cáo đầy đủ, chi tiết theo danh mục, có đối tượng, địa chỉ đối với thông tin về diện tích đất không đưa, chậm hoặc chưa đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật phải thu hồi; diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị hoang hóa, lấn chiếm… để có giải pháp xử lý cụ thể, chi tiết, đúng đối tượng.

Nhấn mạnh đất đai là một trong những trọng tâm trong chuyên đề giám sát của Quốc hội lần này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát lưu ý, Gia Lai cần làm rõ thêm một số nội dung. Cụ thể là: diện tích nông, lâm nghiệp không sử dụng, để hoang hóa; số dự án "treo", việc xử lý, thu hồi đất đai các dự án; công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án; làm rõ các nội dung, thông tin, số liệu đã được các cơ quan báo chí nêu đối với các vi phạm, thất thoát, lãng phí chi tiêu ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, các dự án đầu tư không hiệu quả, các dự án "treo", đất đai để hoang hóa thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách nêu rõ, kết quả UBND tỉnh Gia Lai báo cáo rất có ý nghĩa, có giá trị quan trọng và sẽ được sử dụng khi tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát chung của Đoàn giám sát. Đồng thời, khẳng định, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phủ rộng trên mọi lĩnh vực nên việc giám sát là để nhìn nhận rõ hơn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, tiến tới việc hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như các quy định pháp luật có liên quan đến công tác này nhằm đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được những kết quả thực chất, hiệu quả hơn, không hình thức.

Trung Thành