ĐBQH TRẦN NHẬT MINH:
Sớm phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
Phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đại biểu cho rằng, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đến năm 2025 với lý do các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn NTM, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội. Vấn đề này đã được cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) kiến nghị gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm và tiếp tục kiến nghị tại Kỳ họp thứ Sáu.
Từ thực tế đó, đại biểu đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thành trong năm 2023 việc bổ sung các chính sách để giải quyết những bất cập khi triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và địa bàn các xã miền núi đã công nhận đạt chuẩn NTM. Bởi, hầu hết các hộ dân sống ở các xã, thôn, bản khu vực này đều là đồng bào DTTS, mà đa số là hộ nghèo, cận nghèo, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đại biểu cho biết: tỉnh Nghệ An có hơn 50.000ha rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Toàn bộ diện tích này đã được tỉnh đưa vào quy hoạch 3 loại rừng, song hiện nay quy hoạch lâm nghiệp quốc gia vẫn chưa được phê duyệt. Do đó, đại biểu đề nghị sớm có hướng dẫn xử lý vướng mắc trên theo hướng trong lúc chờ quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được phê duyệt, vẫn thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng cho các đối tượng rừng tự nhiên hiện nay đang nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Cũng theo Quy định tại Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được thụ hưởng Tiểu dự án 1, Dự án 3, gồm: hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi… cộng đồng dân cư không thuộc các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi… Tuy nhiên, theo quy định trên, các thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 433 ngày 18.6.2021 của Ủy ban Dân tộc nhưng lại thuộc xã khu vực I lại không thuộc đối tượng thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3. Vì vậy, để không bỏ sót đối tượng thụ hưởng, đại biểu đề nghị sớm có hướng dẫn khắc phục vướng mắc này.
ĐBQH VI VĂN SƠN:
Cho phép kéo dài giải ngân nguồn vốn đầu tư
Theo đại biểu, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp… Đây là chính sách mới, tích hợp nhiều chính sách trước đây cộng lại. Do đó, việc thực hiện sẽ có những khó khăn, vướng mắc đã được dự báo trước. Mặt khác, đây cũng là chương trình mới, lần đầu triển khai nên khó thực hiện, do đó, theo đại biểu, cần kéo dài giải ngân nguồn vốn đầu tư cho cả giai đoạn trung hạn…
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu để có chính sách khen thưởng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn nhằm tạo động lực cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện này... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thay đổi hình thức giao vốn của chương trình theo hướng giao cho các địa phương chủ động phân bổ cho các nội dung, không giao cho từng dự án, tiểu dự án như hiện nay, để tạo sự linh hoạt cho địa phương...
ĐBQH HOÀNG THỊ THU HIỀN:
Ban hành các quy định mang tính nguyên tắc và giao quyền cho HĐND
Đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát, Báo cáo của Chính phủ và phần trả lời chất vấn của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Kỳ họp thứ Năm về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều khó khăn, nhất là quá trình triển khai trên thực địa đến tận thôn, bản, tận hộ gia đình… đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá thật sự thẳng thắn, đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp thực hiện chương trình.
Chỉ ra một trong những nguyên nhân cơ bản của việc giải ngân vốn của Chương trình chậm, đại biểu cho rằng xuất phát từ cơ chế vận hành, thể hiện ở chỗ các văn bản chỉ đạo điều hành nhiều nhưng chậm ban hành… Để giải quyết vấn đề này, đề nghị Trung ương ban hành những văn bản chỉ đạo có tính quan điểm, nguyên tắc và giao quyền cho HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc ban hành văn bản triển khai thực hiện để phù hợp với thực tiễn địa phương.
Trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình, dự án 3 về phát triển nông, lâm bền vững, phát huy tiềm năng lợi thế thế mạnh của vùng biển để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đây là dự án duy nhất liên quan đến việc hỗ trợ người dân để phát triển kinh tế, phát huy nội lực, phát triển bền vững… Theo đại biểu, khó khăn vướng mắc lớn của đồng bào DTTS và miền núi là việc làm và thu nhập ổn định trên mảnh đất quê hương, nhưng rất khó để có doanh nghiệp đầu tư… Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ các quy định để thực hiện hiệu quả hơn trên thực tế.