Lấy ý kiến Nhân dân với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai

- Chủ Nhật, 19/02/2023, 11:01 - Chia sẻ

TS. BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Đây là điều mới quy định tại Điều 15, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân. Nội hàm của điều này rất tiến bộ, đúng đắn và sáng rõ về quy định Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai. Điều luật đã chỉ rõ Nhà nước trong phạm vi này là Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ và UBND các cấp.

Cụ thể, dự thảo điều luật quy định như sau:Điều 15. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai:

1- Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước; quyết định giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2- Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi thực hiện các dự án phát trển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định tại Luật này; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.

3- Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật này.”

Như thực tế đã chỉ rõ, toàn bộ đất đai của quốc gia đều nằm ở cơ sở (phường, xã, khu dân cư, làng, bản, phum, sóc), do đó việc quy định của Điều15 nói chung, trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp nói riêng là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đến khi dự thảo quy định 5 việc cụ thể, gồm: Thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 70), Thẩm quyền thu hồi đất (Điều 82), Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 123), Bảng giá đất (Điều 154), Giá đất cụ thể (Điều 155), thì có tới 3 điều không quy định cho chính quyền cấp cơ sở, 2 điều chỉ quy đinh cho cấp tỉnh. Việc tách trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của chính quyền cơ sở ra khỏi quản lý, sử dụng đất đai là không đúng, không phù hợp với thực tiễn khách quan.

Có một vấn đề sẽ nói riêng là: Hiện tại tình trạng tiêu cực, tham những về đất đai ở địa phương này, địa phương khác là rất nghiêm trọng, phải kịch liệt chống tham nhũng, phải xử lý bằng “lò đốt”, nhưng không nên (không thể) hợp thức hóa tồn tại đó bằng cách bỏ qua, thôi - không giao trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương cho chính quyền cấp cơ sở nữa. Vấn đề là phải có cơ chế chặt chẽ để thực thi trách nhiệm, quyền hạn, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực, chứ không phải cứ có khuyết điểm lớn trong thực thi công vụ thì không giao nữa...

Trở lại vấn đề đang bàn, xin được bổ sung vào 5 điều về 5 việc nói trên như sau (chữ nghiêng, in đậm là nội dung bổ sung):

Điều 70. Thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoach, kế hoạch sử dụng đất. Đề nghị bổ sung vào khoản 3 như sau:      

3. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện

Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trên cơ sở Hội đồng nhân dân các xã trong huyện đã thông qua quy hoạch sử dụng đất của xã mình, trước khi trình Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Điều 82. Thẩm quyền thu hồi đất

Điều này, đề nghị bổ sung một khoản (khoản 3) để thể hiện trách nhiệm của Hội đồng nhân, cụ thể là:

3. Quyết định thu hồi đất tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.

     Điều 123. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đề nghị thêm vào khoản 4 để làm rõ trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp.

4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này không được ủy quyền; Ủy ban nhân dân các cấp trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp thông qua phương án giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trước khi quyết định.

Điều 154. Bảng giá đất:

1. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01-01 của năm.

Trước hết cần xem lại, hàng năm thay đổi bảng giá đất thì có thực hiện được không, khi mà quy trình được quy định rất dài, rất phức tạp, nhiều công đoạn. Đề nghị: Bảng giá đất được xây dựng hai năm một lần (hoặc 5 năm 2 lần) được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01 tháng tiếp sau tháng công bố. Đề nghị sửa đổi Khoản này bằng cách chia ra các điểm a, b và bổ sung nội dung như sau:

a) Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất; phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng bảng giá đất của cấp huyện; khi xây dựng bảng giá đất được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất; bảng giá đất phải được trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất.

b) Căn cứ kết quả của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Điều 155. Giá đất cụ thể. Đề nghị sửa đổi điểm b khoản 2 để làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc quyết định giá đất (vì chính họ sau này phải lãnh đạo nhân dân trong xã thực hiện giá đất trong nhiều trường hợp, trong đó có trường hợp đền bù khi thu hồi đất):

2. Việc xác định giá đất cụ thể thực hiện theo quy định sau đây:

b) Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cơ sở  ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Việc bổ sung các quy định như trên về cơ bản sẽ góp phần đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Ban soạn thảo dự án Luật. Đó là chính quyền địa phương (HĐND các cấp và UBND các cấp) thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai tại địa phương như quy định tại Điều 15 của dự thảo Luật.

#