Luật hóa các quy định phòng ngừa, trấn áp tội phạm buôn bán người
Liên quan đến sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
Các ý kiến đánh giá, dự thảo Luật thể hiện khá đầy đủ 3 nhóm chính sách được Chính phủ đưa ra trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đề nghị: tiếp tục rà soát các quy định, thông lệ quốc tế để nội luật hóa đầy đủ các quy định về phòng ngừa, trấn áp, trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; làm rõ các khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các hành vi bị nghiêm cấm; phương thức tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân…
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh; tách bạch mục đích bóc lột và mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất; ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp; hỗ trợ chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh (Tổ trưởng Tổ16) Hoàng Trung Dũng đề nghị, cần đánh giá tác động về tư vấn hôn nhân, cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, mang thai hộ, hiến mô, tạng; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phòng ngừa mua bán người; có sự phân hóa chính sách phù hợp với từng đối tượng nạn nhân; bổ sung chính sách hỗ trợ nạn nhân mua BHYT, chính sách tín dụng…
Quy định cụ thể chế tài xử lý
Về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương. Luật điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Thảo luận về dự thảo luật, các đại biểu khẳng định: Việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp đối với người chưa thành niên là cần thiết. Bởi, không chỉ bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới và hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, mà còn thể hiện Việt Nam đáp ứng và thực thi tích cực, nghiêm túc yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hợp Quốc.
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm thống nhất và đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện các hoạt động tố tụng làm thường trực, bảo đảm phù hợp tính chất, nhiệm vụ của cơ quan điều phối các vấn đề liên quan đến tư pháp người chưa thành niên; đánh giá kỹ lưỡng về nguồn lực bảo đảm đối với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử…
Đồng thời, cần rà soát các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, khả năng giáo dục, phục hồi của người chưa thành niên… Từ đó, quy định các chế tài xử lý cụ thể, bảo đảm phù hợp, khả thi; đồng thời, tách vụ án hình sự xử lý người chưa thành niên trong vụ án vừa có người đã thành niên và người chưa thành niên.
Liên quan đến dự thảo luật này, Tổ trưởng tổ 16 đề nghị cần hoàn thiện các quy định liên quan đến người làm công tác xã hội; thiết kế chính sách xử lý theo hướng tiếp cận chuyên biệt, từ đó thiết lập các nguyên tắc xử lý, chế định hình phạt, thủ tục tố tụng, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên…
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu cũng nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn; đồng thời, đề nghị cần rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; hoàn thiện thể chế, xây dựng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, quản lý, sử dụng tài sản công đoàn phù hợp thực tiễn; xác định rõ cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn; quy định rõ hành vi chậm đóng kinh phí, nội dung phân bổ kinh phí công đoàn.