NHỮNG ÁNH SAO KHUÊ

Luật sư Nguyễn Long - trọn đời theo lý tưởng, vì nước, vì dân

- Chủ Nhật, 05/03/2023, 06:34 - Chia sẻ

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 

Luật sư Nguyễn Long sinh ngày 15.06.1906 theo Tờ khai ứng cử đại biểu Quốc hội. Sinh ra trong gia đình nhà nho, quê quán xã Diên Khánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Từ một viên chức làm việc tại tòa khâm sứ Huế, tham gia cách mạng, trở thành một luật sư, hoạt động cách mạng trong lòng địch và sau này tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng, Luật sư Nguyễn Long đã sống trọn đời mình theo lý tưởng vì nước, vì dân. 

Do nhà nghèo và cũng vì lúc nhỏ, ốm đau bệnh tật luôn, mãi mười tuổi ông mới được gia đình cho đi học ở trường làng. Tốt nghiệp tiểu học, Nguyễn Long vào Huế thi đỗ đầu thành chung và 25 tuổi đậu tú tài, được bổ nhiệm làm viên chức tại tòa khâm sứ Huế. Ông tâm sự: “Lúc ông bước vào nghề cũng là lúc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và cao trào cách mạng 1930-1931 đặt cơ sở cho việc tập hợp và thống nhất các lực lượng dân tộc. Là một viên chức được giao việc theo dõi tình hình dân chúng để bẩm báo hàng ngày với quan khâm sai nên được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin cả chính thống lẫn không chính chính thống. Tình hình cho thấy: Đang xuất hiện một cao trào cách mạng chưa từng có. Khí thế đấu tranh của công nông lên cao thu hút nhiều phú nông tham gia; nhiều địa chủ vừa và nhỏ ở các “làng đỏ” cũng gia nhập các hội quần chúng như Hội Tán trợ, Hội Chữ thập đỏ. Ở thành thị, tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, một số tư sản dân tộc... ủng hộ cách mạng. Cao trào cách mạng diễn ra trên quy mô lớn từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân đã khơi dậy trong tôi tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Và đấy cũng là lý do chính để ngày 9.3.1945 Nhật đảo chính Pháp, tôi viện cớ bị bệnh, đến xin thôi việc và tham gia cách mạng”.

Ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng Lời kêu gọi trên, luật sư được tổ chức cách mạng phân công làm Tổng thư ký Ủy ban tâm cư - di cư Thanh Sơn (Nghệ An), trực tiếp phụ trách nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và vận tải của chính quyền cách mạng tỉnh Nghệ An. Năm 1946, ông được tổ chức phân công trở lại thành phố Huế hoạt động bí mật với nhiệm vụ vận động nhân sĩ, trí thức ủng hộ cách mạng, đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.

Hoạt động một thời gian, bị lộ, ông được tổ chức bố trí cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn nằm im “chờ việc”, trong thời gian đó ông theo học Khoa Luật và tốt nghiệp Đại học luật khoa, trở thành luật sư thực thụ. Từ năm 1953 ông gia nhập Luật sư đoàn Sài Gòn, giữ vai trò cố vấn pháp luật cho đến năm 1972, xem đấy là một nghề, một loại bình phong để hoạt động cách mạng trong lòng địch. Luật sư Nguyễn Long đã cãi thành công để Tòa tuyên vô tội cho không ít chiến sĩ cách mạng, những công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên phụ nữ chỉ đấu tranh chống giãn thợ, đòi giải quyết thất nghiệp, đòi tăng lương; chống lại các thủ đoạn cướp ruộng đất trong cái gọi là “cải cách điền địa”, chống tăng tô, đòi giảm thuế, chống văn hóa suy đồi của Mỹ, đòi bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc…

Năm 1965, đế quốc Mỹ trực tiếp đổ quân ồ ạt vào miền Nam nhằm thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Thực hiện phương châm “ba mũi giáp công” “ba vùng chiến lược” của Trung ương, Nguyễn Long cùng một số trí thức phát động phong trào “Dân tộc tự quyết” và được bầu làm Chủ tịch của phong trào, đồng thời là Ủy viên của Ủy ban Vận động hòa bình.

Phong trào “Dân tộc tự quyết” đáp ứng trúng nguyện vọng tha thiết của nhân dân nên phát triển nhanh và rộng khắp, thể hiện rõ phương châm mà Trung ương đã đề ra là: “Kết hợp bốn hình thức đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp”. Đặc biệt, tờ nội san “Tự quyết” mà ông là người trực tiếp phụ trách được phát hành với số lượng lớn đến tận tay các tầng lớp nhân dân ở Sài Gòn với nội dung khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc, có tác dụng rất lớn đối với huy động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân sĩ, trí thức tham gia kháng chiến cứu nước.

Do những hoạt động mà địch coi là “làm tổn hại đến an ninh quốc gia”, tháng 2.1965 nhà cầm quyền bắt giam ông cùng một số trí thức. Sau 6 tháng điều tra, xét hỏi, ngày 5.8.1965, Tòa án quân sự vùng III chiến thuật đem ra xét xử, kết án ông 10 năm khổ sai, 5 năm biệt xứ về tội gọi là “Phá hoại tinh thần quân đội và quốc dân”, giam ông 3 năm tại khám Chí Hòa.

Một phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho luật sư Nguyễn Long đã diễn ra. Rất nhiều luật sư nổi tiếng cùng nhiều tờ báo lớn ở trong nước cũng như trên thế giới vào cuộc. Trước sức ép của dư luận, cuối năm 1967, ông và các đồng sự được trả tự do. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cho phong trào “Dân tộc tự quyết”.

Qua những hoạt động yêu nước không mệt mỏi, không sợ tù đày và tra tấn, luật sư Nguyễn Long được các tầng lớp nhân dân tín nhiệm cao và bầu làm Đồng Chủ tịch Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hòa bình - một hình thức tổ chức và phương thức đấu tranh do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đề ra. Với cương vị mới, luật sư bất chấp mọi gian nguy, đã băng rừng, vượt suối đi hầu khắp các tỉnh Nam Bộ và Trung Bộ để tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động.

Vốn đã từng là tù nhân, luật sư được cử làm Đồng Chủ tịch Ủy ban vận động Cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam, cố vấn phong trào Đòi quyền sống của trẻ em và cô nhi chiến tranh. Ông bỏ công sức thu thập tài liệu, tìm nhân chứng khai thác, biên tập, cho phát hành nhiều tài liệu tố cáo chế độ lao tù hà khắc, tội ác chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nêu bật những mưu đồ rất thâm hiểm của kẻ thù núp dưới chiêu bài “quốc gia”, “cần lao nhân vị”, “xây dựng một nước Việt Nam Cộng hòa riêng rẽ ở miền Nam” nhưng thực chất là “dùng cường quyền để cưỡng đoạt công lý”, dùng vũ lực để nhồi nhét luận điệu xằng bậy vào đầu óc dân lành, ai nói khác thì đã có cây roi để uốn nắn lại, ai “ngoan cố” thì có cách cho vào nhà tù, giết dần giết mòn trong các trại giam hoặc thủ tiêu hàng loạt. Cùng với đó, ông còn ra những tuyên cáo phản đối những luật và sắc luật vi hiến, phản dân chủ của chính quyền tay sai.

Với những việc làm vì dân, vì nước nêu trên, ông bị chính quyền Sài Gòn buộc tội “làm tay sai cho Việt Cộng” và bị bắt giam từ tháng 7.1972, trải qua biết bao lần tra tấn với những đòn thù độc hiểm nhưng vẫn giữ vững phẩm chất, khí tiết của một nhà cách mạng, một nhà yêu nước…

Ngày 20.7.1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Sợ sự có mặt của “luật sư nổi loạn” ở miền Nam gây nhiều khó khăn cho chúng, ngày 27.1.1973, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã trao trả luật sư cho miền Bắc. Sau đó, ông tiếp tục tham gia vào Mặt trận dân tộc giải phóng, tiếp tục thực hiện lý tưởng vì nước, vì dân.